HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam và Hàn Quốc “ thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc và các vấn đề hai bên cùng quan tâm.”
TTXVN và hãng tin Hàn Quốc Yonhap cùng đưa tin tường thuật một cuộc điện đàm giữa ông Tổng bí thư Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày Thứ Ba mùng 3 Tháng Chín.
TTXVN nói rằng hai nhà lãnh đạo “nhất trí” “tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng thực chất, hiệu quả, cân bằng, bền vững.” Còn Yonhap cũng dẫn thông báo từ văn phòng Tổng thống Yoon cho hay hai bên “thảo luận các biện pháp nâng cao hợp tác kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng và các lãnh vực khác”.
Yonhap dẫn thuật thông báo từ văn phòng ông Yoon nói thêm rằng ông hy vọng nâng cao “hợp tác chiến lược” trên nhiều lãnh vực như thương mại, đầu tư, sản xuất công nghệ cao, hạ tầng cơ sở, an ninh quốc phòng.
Việt Nam và Hàn Quốc ký thỏa hiệp “Đối tác chiến lược toàn diện” khi ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Seoul Tháng Mười Hai 2022. Vài tuần lễ sau thì ông Phúc “xin thôi chức” Chủ tịch nước, nguyên nhân đích thực không ai được biết trong khi dư luận “ngoài luồng” nói ông dính líu đến tham nhũng. Cũng có thể ông là một trong số ít người đủ điệu kiện lên làm Tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng nên phe cánh khác thấy cần phải loại trừ một đối thủ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan CSVN, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 2023 hơn 76 tỉ USD, dự trù nâng lên thành $150 tỉ USD đến năm 2030. Tuy CSVN vẫn giữ quan hệ ngoại giao với nước Công sản Bắc Hàn, nhưng lại ký hiệp định “Đối tác chiến lược toàn diện” với Nam Hàn. Lãnh tụ và các quan chức cấp cao cũng thăm viếng thường xuyên, khác với sự vắng lặng quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng.
Mới 4 ngày trước Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Cảnh sát Việt Nam hai tàu tuần tra. Chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần viện trợ cho Việt Nam từ tàu tuần tra cho cảnh sát biển đến chiến hạm cho Hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng đều là các tàu cũ bị thải loại được tâng trang. Với một nước nghèo thiếu mọi thứ thì “có còn hơn không”.
Tháng Sáu 2023, Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm chính thức Việt Nam. Ông loan báo gia tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam từ $1.5 tỉ USD giai đoạn 2016-2023 lên thành $2 tỉ USD cho giai đoạn 2024-2030. Đồng thời, ông cho hay Hàn Quốc sẽ cho Việt Nam vay $2 tỉ USD tín dụng ưu đãi cho các dự án xây dựng hạ tầng.
Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt năm 1975, nền kinh tế Nam Hàn lúc đó chỉ tương đương với VNCH, kỹ nghệ không có gì. Ngày nay, họ là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhờ giới lạnh đạo biết vận dụng sức dân, canh tân phát triện mọi mặt. Trong khi đó, chế độ Hà Nội lại hô hò “tiến lên xã hội chủ nghĩa” bằng cách bần cùng hóa nhân dân.
Hậu qua là nước Việt Nam lạc hậu nghèo đói kéo dài, có nhiều người đến bo bo cũng không có mà ăn. Khi chế độ gần đến lúc kiệt quệ và sụp đổ, lạm phát gia tăng hơn 700%, cuối năm 1986, Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư, CSVN rón rén đổi mới kinh tế theo chiêu bài “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Dân chúng được nới lỏng phần nào sản xuất kinh tế tư nhân thay vì nhà nước nắm độc quyền phân phối, kinh doanh, sản xuất mà trong đó, dân chúng chỉ là những kẻ làm thuê ăn công chết đói. Một số định chế tài trợ quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB), bắt đầu viện trợ và cho vay ưu đãi các dự án hạ tầng theo các kế hoạch “xóa đói giảm nghèo”.
Tư bản ngoại quốc dần dần theo nhau vào Việt Nam đầu tư, mở cơ sở sản xuất từ bắc đến nam, nhờ vậy nền kinh tế mới được như ngày nay. Dù vậy, chế độ Hà Nội vẫn còn phải ngửa tay xin các nước giầu có bất cứ thứ gì họ thải loại trong khi Hàn Quốc có kỹ nghệ đóng tàu biển hàng đầu thế giới. Hàn Quốc sản xuất chiến hạm, tàu ngầm, xe tăng, đại bác, chiến đấu cơ tối tân không những cho nhu cầu quốc phòng nội địa mà còn xuất cảng.
Nhiều đại công ty Hàn Quốc, đặc biệt Samsung, đã mở nhiều cơ sở sản xuất xuất cảng đi khắp thế giới tại Việt Nam. Riêng Samsung đã đổ vào Việt Nam khoảng $18 tỉ USD. Người ta từng nói khi ông lớn Samsung nhức đầu sổ mũi thì nền kinh tế Việt Nam cũng ốm theo.(TN)