Chia sẻ với VietNamNet, điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, đang làm việc tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho biết khi sự việc mình từng cứu cháu bé ngưng thở trên xe taxi được dư luận biết đến, chị nhận rất nhiều lời hỏi thăm, động viên của mọi người.

“Với tôi, việc đó không có gì to tát cả. Tôi công tác trong ngành y thì thiên chức là phải cứu người. Không chỉ tôi mà y bác sĩ nào gặp hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như vậy. Điều tôi thấy hạnh phúc nhất là em bé đã qua khỏi. Từng ngày trôi qua với sự chăm sóc của bố mẹ, các bác sĩ của bệnh viện, con đang hồi phục rất tốt. Nghe tin con đã cai được thở máy, tự bú trở lại, lòng tôi hân hoan như chính con ruột của mình bình phục vậy”, chị Thảo tâm sự.

“Không có giường, tôi đặt bé ra ghế xe bắt đầu ép tim, thổi ngạt”

Nữ điều dưỡng nhớ lại khoảng 21h tối 4/7, hai vợ chồng chị cho con đi chơi. Khi cách nhà gần 1km, tới xóm 6 (xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên), chị Thảo nhìn thấy một người đàn ông lớn tuổi vừa chạy vừa hét thất thanh. 

Ông ngã nhoài ra đường rồi lại lồm cồm bò dậy, trong tay ôm một em bé. Bằng linh cảm nghề y, nữ điều dưỡng nhận thấy có gì đó bất thường liên quan đến sức khỏe của trẻ.

Điều dưỡng Thảo đang làm việc tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh: NVCC

“Tôi bảo chồng: ‘Anh ơi, anh dừng xe lại. Anh giữ con để em chạy vào xem đứa bé bị làm sao rồi’. Bé nhà tôi mới hơn 1 tuổi, lúc đó khóc đòi mẹ bế. Tôi chạy lại chỗ người ông vừa khóc vừa ôm cháu ra xe taxi. Khi tới nơi, tôi thấy cháu bé tím tái, không còn phản xạ gì nữa. Tôi bảo: ‘Ông đưa em bé đây để cháu cấp cứu cho. Cháu làm điều dưỡng ở bên Bệnh viện Nhi (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng – PV)’. Đón bé từ tay ông, tôi lên ô tô chờ sẵn cùng mẹ cháu. Không có giường, tôi đặt bé ra ghế xe bắt đầu ép tim, thổi ngạt cho cháu. Tôi cũng không kịp hỏi ai xem bé bị sao. Ép tim, thổi ngạt được một lúc, tôi thấy rất nhiều sữa ộc từ miệng và mũi của bé. Tôi chẩn đoán con bị sặc sữa dẫn đến ngừng hô hấp, mất nhịp tim, mất mạch”. 

Đoán được nguyên nhân, nữ điều dưỡng tích cực tiếp tục cấp cứu cho bệnh nhi. Chị dùng miệng của mình hút sữa trong mũi ra cho cháu, thổi ngạt, ép tim lần nào sữa đều trào ra lần đó. 

Chị Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Tôi vừa ép tim, thổi ngạt vừa lay gọi con. Tiếng gọi ‘con ơi, con ơi cố lên, cô xin con’ lúc đó là tôi gọi bản năng nghề nghiệp trong mình”. Ảnh: NVCC

“Tôi bảo mẹ cháu đừng khóc và tìm khăn đưa cho tôi để lau cho bé. Khoảng 3-4 lần như thế thì sữa trong đường hô hấp được tống hết ra ngoài. Lúc này, bé vẫn chưa có dấu hiệu thở trở lại. Tôi rất lo lắng. Nhưng tôi đã có 4 năm làm việc ở Khoa Sơ sinh, nhiều lần cứu sống trẻ sặc sữa, mất nhịp thở, ngưng tim như thế này. Nhưng lúc đó không có bác sĩ, không có đồng nghiệp hỗ trợ. Trên tay tôi chỉ có chiếc khăn tay duy nhất mẹ cháu đưa. Xe taxi chạy rất nhanh, rung lắc mạnh. Tôi vừa ép tim, thổi ngạt vừa lay gọi con. Tiếng gọi ‘con ơi, con ơi cố lên, cô xin con’ lúc đó là tôi gọi bản năng nghề nghiệp trong mình. Tôi mong bé nghe được tiếng tôi cổ vũ, cầu xin, cảm nhận được sự nỗ lực của tôi mà đấu tranh với ‘tử thần’ và thở trở lại”, nữ điều dưỡng kể. 

“Cứ cấp cứu đi, đừng nản, bệnh nhân sơ sinh tim dai lắm”

Khi chị Thảo tiếp cận bệnh nhi, bé đã ngưng thở khoảng 2 phút và thêm 4 phút trên xe taxi. Khi tới bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên, trẻ được đưa ngay vào Khoa Hồi sức. “Vừa chạy tôi vừa hô to: ‘Bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim rồi, các anh, chị chuẩn bị bóp nội khí quản, bóp mát’. Tôi liên tục nói mình đang công tác tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, để các đồng nghiệp có lòng tin”, chị Thảo nói. 

Các nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên đã tỏa đi chuẩn bị thiết bị, nhân lực để lập ngay ê-kíp cấp cứu. Trong lúc đó, chị Thảo vẫn tiếp tục làm động tác ép tim cho bệnh nhi.

“Thời điểm đó, tôi cũng tham gia vào quá trình cấp cứu. Được một lúc, tim bé vẫn không đập trở lại, các đồng nghiệp lo lắng nói khả năng con mất rồi. Tôi lạc quan động viên họ là tiếp tục cố lên, đặt nội khí quản, bóp mát mạnh tay hơn”, chị Thảo chia sẻ. 

Chị Thảo và con gái nhỏ của mình những lúc ngoài công việc. Ảnh: NVCC

Sự nỗ lực, đồng lòng của chị Thảo và đội ngũ y tế Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên đã được đền đáp. Em bé dần hết tím tái, da hồng ửng nhẹ trở lại. 

“Bé hồng hơn nhưng vẫn không có nhịp tim. Tôi cùng các đồng nghiệp tiếp tục hỗ trợ, mạnh mẽ hơn. Tôi nói với các anh chị ấy là cứ cấp cứu đi, đừng nản, bệnh nhân sơ sinh tim dai lắm. Em gặp nhiều ca còn nguy hiểm hơn thế này mà vẫn cứu được. Một lúc sau, màu da của con sáng hơn, tôi sờ vào bẹn của cháu bé, bắt đầu tìm thấy mạch nhảy. Tôi vui mừng hô lên, có mạch rồi, tim đập lại rồi. Các bác sĩ lúc này bắt đầu lấy được ven của bệnh nhân. Thấy được nhịp tim của bé, tôi ngã quỵ vì kiệt sức”, chị Thảo nói. 

Khi nhìn thấy những nhịp tim đầu tiên của trẻ trở lại cũng là lúc nữ điều dưỡng xây xẩm mặt mày, ngồi quỵ xuống. “Lúc đó, chồng tôi bế con nhỏ tìm đến bệnh viện. Con tôi khóc đòi mẹ. Tôi biết bệnh nhân đã qua được cửa tử nên yên tâm theo chồng về nhà trong bơ phờ, kiệt sức mà không kịp hỏi cả tên bé lẫn tên bố mẹ cháu”, điều dưỡng Thảo chia sẻ. 

Ngày 12/7, điều dưỡng Thảo mới có điều kiện xuống thăm em bé mình từng cấp cứu đang được điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh: BVCC

Sáng hôm sau (5/7), chị Thảo đi làm bình thường. Chị cũng không kể cho ai nghe về câu chuyện đêm hôm trước. Sau đó, chị nghe tin em bé đã được Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên cho xe cấp cứu chuyển ra Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. 

“Biết con được đưa ra đến viện, tôi hiểu rằng con đã an toàn. Nếu có gì xấu thì đã không thể chuyển tuyến. Tôi đang làm ở Khoa Hô hấp, khác với khoa đang cứu chữa cho bé. Bận rộn với các bệnh nhân của mình, mấy ngày đầu, tôi không xuống thăm bé được. Nhưng tôi vào máy tính để tìm bệnh án của con và theo dõi sự chuyển biến của con qua đó. Tôi cũng hỏi thăm thêm đồng nghiệp”. 

Ngày 11/7, chị Thảo nhận được clip bố mẹ cháu bé gửi. Nhìn thấy trẻ khóc rất to, chị mừng rơi nước mắt. Đến hôm qua (12/7), chị mới có điều kiện xuống thăm bé. “Thấy con đã cai được thở máy, sức khỏe tiến triển tốt, lòng tôi thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng”, chị Thảo tâm sự.