SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngoài kháng cáo bản án tử hình về tội “tham ô” tiền của ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan cũng xin tòa phúc thẩm miễn số tiền án phí 673 tỷ đồng ($26.6 triệu).
Báo VNExpress cho hay đúng theo lịch trình, hôm 4 Tháng Mười Một, Tòa Án Cấp Cao tại Sài Gòn đã đưa ra xét xử phúc thẩm đơn xin giảm án tử hình của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và 46 bị cáo khác về các sai phạm liên quan đến ngân hàng SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn một vụ án).
Trong đó, có các bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Lan; Trương Huệ Vân, cháu bà Lan; Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh Tra Cục Thanh Tra, giám sát Ngân Hàng 2 thuộc Ngân Hàng Nhà Nước…
Gây chú ý là một trong hai bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng xin xét xử vắng mặt vì “lý do sức khỏe” là bị cáo Nguyễn Cao Trí, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Văn Lang, tập đoàn Capella, người đang thụ án tám năm tù, với cáo buộc lừa tiền bà Trương Mỹ Lan.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 25 Tháng Mười Một.
Báo Tuổi Trẻ dẫn đơn kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan cho rằng bản án sơ thẩm tuyên tử hình đối với bà là “quá nặng nề và quá nghiêm khắc.”
Theo bà Lan trình bày, bà cùng người thân và các bạn bè đã giúp ngân hàng SCB hợp nhất kịp thời vào hôm 1 Tháng Giêng, 2012, theo “lời vận động và kêu gọi của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, nhằm ổn định toàn hệ thống tiền tệ tài chính quốc gia.”
Vào thời điểm này, ngân hàng SCB có tổng tài sản là 145,000 tỷ đồng ($5.7 tỷ), nhưng tổng nợ phải trả là 133,000 tỷ đồng ($5.2 tỷ) với lãi suất 35%-52% mà không có tài sản đáng giá, sắp phá sản.
Bà Lan và bạn bè cùng các cổ đông đã không chia lợi nhuận suốt 11 năm, cho mượn tiền, sổ tiết kiệm, tài sản… giúp ngân hàng SCB hoạt động ổn định trở lại và trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần có tổng giá trị tài sản lớn như hiện nay.
“Dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa xét xử sơ thẩm, tôi luôn thể hiện sự tự nguyện mang hết tài sản của tôi và tích cực phối hợp cùng SCB giải quyết khắc phục hậu quả, dùng các dự án đang dang dở để thu hồi đúng giá trị cho SCB… SCB không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy buộc cho một cá nhân chịu trách nhiệm toàn bộ,” đơn kháng cáo nêu.
Từ đó, bà Lan xin Hội Đồng Xét Xử “xem xét thấu đáo và có đường lối xử lý phù hợp” đối với gia đình bà cùng một số cá nhân khác.
Trước đó, theo báo VNExpress, trong phiên tòa sơ thẩm xử vụ án liên quan ngân hàng SCB diễn ra hồi Tháng Tư vừa qua, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị kết án tử hình về ba tội danh “tham ô tài sản,” “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan “có vai trò chủ mưu, cầm đầu,” đã lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, hoán đổi tài sản giá trị thấp để rút tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn ra khỏi ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn được xác định là 677,000 tỷ đồng ($26.6 tỷ).
Đến cuối Tháng Tư, bị cáo Trương Mỹ Lan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng mình không chiếm đoạt tiền của ngân hàng SCB như phán quyết của tòa quy tội.
Hồi giữa Tháng Mười Hai năm ngoái tới nay, người thân của bà Trương Mỹ Lan được ghi nhận nộp 3,000 tỷ đồng ($118 triệu) tiền “khắc phục hậu quả.”
Ngoài bản án trên, hôm 17 Tháng Mười vừa qua, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 người khác còn bị kết tội ở giai đoạn hai vụ án xảy ra tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị kết án chung thân với các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “rửa tiền” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.” (Tr.N)