Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân Chủng Không Quân VNCH do Hội Ái Hữu Không Quân Miền Trung California tổ chức hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Bảy, tại Diamond Seafood Palace 3, Westminster, với sự tham dự của các chiến hữu Không Quân cùng thân hữu.
Mở đầu chương trình là nghi thức rước quốc quân kỳ, chào cờ khai mạc. Tiếp đến, ban hợp ca Không Quân Miền Trung California hát “Không Quân Hành Khúc.”
Về tham dự có các vị niên trưởng từ các không đoàn, phi đoàn, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, cùng nhiều đơn vị trong QLVNCH.
Không Quân Lương Chí Hùng ôn lại: “Giây phút lịch sử của ngày 1 Tháng Bảy, 1955, khi lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trên kỳ đài của căn cứ Không Quân Nha Trang, là ngày khai sinh của Quân Chủng Không Quân VNCH. Từ giây phút lịch sử đó, từng thế hệ tiếp nối bao người con thân yêu ra đi, đã có biết bao Bảo Quốc Trấn Không đã lẫy lừng ‘Đi không ai tìm xác rơi,’ những tên tuổi đã đi vào lịch sử của Không Lực Không Quân VNCH.”
“Đêm nay, đêm thứ 69 kỷ niệm Ngày Không Lực, xin một phút mặc niệm những cánh chim đã bay xa, chỉ còn những cánh chim lưu lạc, hàng năm cũng vào ngày tháng này đến với nhau để tưởng nhớ, để thấy sự hiện diện một ngày một vơi bớt. Ta là đàn chim bay trên cao xanh, ta là tinh cầu bay trong ánh trăng, ngày nào còn trung kiên với tổ quốc, ngày nào còn sắt son với không gian xin hãy cùng tìm về với nhau trong ngày tháng lịch sử này,” ông Hùng nói tiếp.
Ông Lê Văn Sáu, hội trưởng Hội Ái Hữu Không Quân Miền Trung California, nói: “Từ một đơn vị yểm trợ cho đến khi có tác chiến, có sáu sư đoàn Không Quân, có hai căn cứ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, đơn vị tiếp vận quân báo và tất cả mọi ngành.”
“Trước 1975, khi đất nước lâm nguy, tất cả những anh em chúng tôi đã xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, gia nhập Không Quân, lấy mây trời là nhà lấy không gian là bạn, vẫy vùng ngang dọc, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Không Quân chúng tôi hầu hết tham gia tất cả các trận chiến khốc liệt nhất, từ 1955 đến 1975. Chúng tôi không quản ngại hy sinh để tiếp tế quân bạn, hành quân và dẹp địch, đó là tiêu chuẩn của chúng tôi,” ông hội trưởng tiếp.
Ông nói thêm: “Với tiêu đề ‘Không Quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè,’ hôm nay chúng tôi đến đây cũng từ lý tưởng đó. Những cánh chim từ khắp bốn phương trời không quản ngại sức khỏe, đường sá xa xôi tụ tập về đây hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm xưa thời chinh chiến, đó là ý nguyện của chúng tôi. Xin cám ơn tất cả quý vị có mặt hôm nay, và ghi ơn tất cả những chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì lý tưởng tự do, nhất là những chiến sĩ Không Quân chúng tôi đã hy sinh rất nhiều.”
Niên trưởng Võ Ý, cựu trung tá phi đoàn trưởng Phi Đoàn 118, nói: “Cho đến giờ phút này, anh em chúng ta đập vỡ nón bay để tìm lấy bóng, xếp phi bào lại để dành hơi, nhưng hôm nay tôi phải lục lại phi bào để mặc lại, để hãnh diện lại với anh em rằng tôi là một Không Quân của đất nước. Các vị có tiếng rằng ‘Hào hoa nhất lính Không Quân’ vậy thì chúng ta hào hoa bất cứ lúc nào, dưới đất cũng như trên trời, nên mới có câu “Hào hoa dưới đất, hào hùng trên không.”
Ông Đỗ Văn Khanh, thủ quỹ, cho biết một số tình hình của hội thực hiện vài năm nay: “Chương trình ‘Lá Lành Đùm Lá Rách’ được tiếp nối từ những vị hội trưởng tiền nhiệm, trợ giúp một số anh em chiến hữu kém may mắn còn ở lại quê nhà, đang gặp khó khăn cần sự giúp đỡ, và trong thời gian qua đã giúp đỡ khoảng 45 đến 52 chiến hữu hạ sĩ quan Không Quân.”
“Đây là món quà nhắc nhở chúng ta không bao giờ bỏ anh em, bỏ bạn bè, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Món quà tuy nhỏ, nhưng nói lên tình chiến hữu. Nhiều khi những anh em chúng ta ở quê nhà nhận được là lần cuối cùng. Xin cám ơn những mạnh thường quân của ‘Lá Lành Đùm Lá Rách’ năm 2024-2025, gồm có Liên Khóa 65, Hội Ái Hữu Không Quân Miền Trung California, Phi Đoàn 243, và các niên trưởng, từ nhiều phi đoàn, quân đoàn, và các nhân sĩ từ khắp nơi,” ông Khanh tiếp.
Theo ban tổ chức, số tiền quyên góp được $3,360 sẽ sớm được gởi về giúp các chiến hữu.
Trong câu chuyện hàn huyên, mỗi chàng trai trẻ năm xưa đều có lý do khi chọn lựa cho mình một hướng đi trong đời quân ngũ.
Không Quân Lê Phú Du, thuộc Phi Đoàn 239 Đà Nẵng, từ Florida về tham dự, cho hay đang học đại học, khi quốc gia cần nên phải gia nhập quân đội.
Ông kể khi tới cổng Phi Long, Tân Sơn Nhứt, thấy hình một phi công mặc bộ đồ bay màu đen đeo súng rất oai hùng, với câu “Sống Hùng Sống Mạnh, Hãy Gia Nhập Ngành Hoa Tiêu,” ông thấy rất hãnh diện nên ghi tên gia nhập.
“Sau khóa huấn luyện, tôi bay trực thăng UH 1H, chuyên bay tiếp tế tải thương, đổ bộ vào những vùng địch chiếm đóng. Những chuyến bay trực thăng rất nguy hiểm, chỉ trong tích tắc là tan xác, phải dùng hết tất cả những kỹ thuật đã học, nhưng phải nhờ Ơn Trên đó là điều phải tin,” ông Du kể.
Ông tiếp: “Vào trận Đại Lộc, chở quân nhảy dù vào đồi 1062, đánh bật hai hoặc ba sư đoàn Cộng Sản chiếm ngữ ngọn đồi, nếu từ đó pháo xuống là tan nát hết, nhất là phi trường Đà Nẵng. Tất cả lính dù đều xông vào trận đó và đã chiến thắng hoàn toàn, nhưng rốt cuộc vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Thời tuổi trẻ chúng tôi hăng say chiến đấu vì tổ quốc và đồng bào.”
Cựu Đại Úy Huỳnh Văn Giàu, phi đoàn trưởng Phi Đoàn Kim Ngưu 534, Không Đoàn 92 Chiến Thuật, căn cứ 20 Phan Rang, cho biết lý do ngày xưa ông chọn Không Quân là vì đa số chàng trai trẻ thời bấy giờ đều thích nếp sống bay bổng trên bầu trời rộng bao la, nên ông chọn quân chủng này.
Ông cho biết, năm 1968 Mỹ rút dần trong chương trình “Việt Nam Hóa Chiến Tranh,” quân đội rất cần nên sau hai lần khám tuyển mới được chọn đi học bay ở Mỹ.
Ông kể: “Về nước tôi bay loại A 37 trên khắp các chiến trường ở vùng II, gồm Đức Cơ, Pleime, Bồng Sơn, Tam Quan, Đồi Máu Chupao, Võ Định, Tân Cảnh. Ở Vùng III gồm Bình Long, Phước Long, An Khê, An Lộc, Tống Lê Chân. Trong đời phi công, chuyện sinh tử là lẽ thường, có nhiều khi sáng đội nón bay, chiều về là đã tan thành mây khói, chỉ biết nhờ Ơn Trên che chở thôi.”
Ông nhớ lại: “Chiếc A 37 rất mong manh, chứa đầy xăng rất dễ phát hỏa khi một viên đạn bắn trúng. Trong một lần bay yểm trợ mặt trận An Lộc, tôi bị bắn trúng hệ thống thả bánh đáp, khi bay về chỉ có bánh trước thả ra, còn hai bánh sau bị hỏng không thả ra được. Trong tình huống nguy cấp ấy, báo về phi đoàn trưởng, ông nói bay ra biển nhảy dù sẽ có cơ sống sót 80%, còn đáp xuống đất chỉ có 50%. Tôi nghe theo cách thứ hai và thử áp dụng tất cả kỹ thuật được học thì thành công.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Bá cho hay ông có một thắc mắc thời trẻ, là vì sao máy bay trên trời rộng bao la mênh mông làm sao biết chính xác hướng để bay đúng.
Ông kể: “Lúc nhỏ ở thôn quê, nhìn thấy máy bay trên trời thường tự hỏi vì sao khi chạy dưới đất, đi đến đâu cũng được nếu có bản đồ, nhưng phi công bay trên trời biết đâu là phương hướng, tại sao lại không lạc đường, họ là thiên thần chăng. Nhưng khi vào đời phi công tôi mới hiểu có những phi cụ trên máy bay giúp con người bay đúng hướng. Tôi đã giải đáp được câu hỏi ngày xưa, để trở thành phi công chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam.”
Cựu Trung Úy Không Quân Nguyễn Thành Bá, thuộc Phi Đoàn Phi Long 518, Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa, Không Đoàn 23 Chiến Thuật. Sau khi học bay ở Mỹ, trở về bay loại khu trục Skyraider từ 1972 đến 1975.
Ông kể thêm: “Lúc đầu tôi bay ở vị trí thứ hai, sau thời gian tôi là phi đội phó được dẫn hai chiếc, có thời gian được biệt phái để được huấn luyện bay A 37. Sau đó, chiến tranh bùng nổ vào giai đoạn cuối nên tôi được trở về lái khu trục lại, cho đến ngày tan hàng luôn.”
Buổi lễ kéo dài với phần văn nghệ do các cây văn nghệ “cây nhà lá vườn” thực hiện, cùng với những bước nhảy sôi nổi, góp phần gắn kết tình thân của những cánh bay đã xếp cánh.
Tính từ năm 1975, gần nửa thế kỷ, hình bóng của những người Không Quân hào hùng năm nào đã nhạt nhòa, nhưng họ vẫn luôn mong ước có dịp tung hoành trên bầu trời để giải phóng quê hương. [đ.d.]