ANH – Thấy môi sưng tấy sau khi tiêm chất làm đầy, Edita quyết định đi xét nghiệm và phát hiện mắc ung thư máu.
Edita Jucaite, sống ở Oxfordshire (Anh) từng trải qua mốt số thủ thuật thẩm mỹ mà không gặp bất kỳ phản ứng nào. Tuy nhiên, tháng 4 năm ngoái, sau khi tiêm filler(chất làm đầy), môi của Edita sưng vù và có vết bầm tím.
Theo Daily Mail, bác sĩ tiêm filler đã bày tỏ mối lo ngại về vết bầm tím trên môi Edita và đề nghị cô đi khám chuyên khoa. Trong giai đoạn đó, nữ y tá 36 tuổi cũng bị sụt cân – dấu hiệu cảnh báo phổ biến của bệnh ung thư. Chỉ vài giờ sau khi Edita xét nghiệm máu, bác sĩ gia đình đã gọi cho cô.
Nữ bệnh nhân được yêu cầu đến thẳng bệnh viện vì nhân viên y tế nghi ngờ cô mắc bệnh bạch cầu (ung thư máu). Các xét nghiệm tiếp theo đã xác nhận rằng Edita bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy.
“Không nhiều người có thể nói rằng filler đã cứu mạng mình. Nhưng trong trường hợp của tôi thì đúng. Nếu tôi không bị bầm tím môi và bác sĩ thẩm mỹ không khuyên tôi đi kiểm tra thì có lẽ tôi đã trì hoãn hết lần này đến lần khác. Điều đó sẽ khiến bệnh bạch cầu tiến triển và khó điều trị hơn nhiều”, Edita nói.
Những vết bầm tím bất thường, chảy máu đột ngột, mệt mỏi và nhiễm trùng lặp lại là dấu hiệu cảnh báo ung thư nhưng nhiều người không hề biết. Theo cuộc thăm dò của YouGov với 2.000 người trưởng thành ở Anh, chỉ có 14% xác định được cả 4 triệu chứng chính của căn bệnh ung thư máu này.
Bản thân nữ y tá Edita cũng thừa nhận: “Tôi đã rất vui khi giảm cân vì sắp đi nghỉ và tôi dùng nhiều đồ uống tăng lực để vượt qua cảm giác mệt mỏi. Chắc chắn cần phải nâng cao nhận thức về bệnh bạch cầu để người bệnh có thể được chẩn đoán kịp thời, điều trị hiệu quả”.
Cô bắt đầu hóa trị sau khi nhận chẩn đoán và hiện tại bệnh đã thuyên giảm. Nhưng cô sẽ phải dùng thuốc suốt đời để ngăn ngừa ung thư tái phát.
Trên khắp Vương quốc Anh, khoảng 10.000 người nhận chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mỗi năm, gần 5.000 ca tử vong. Khoảng 37% số người mắc bạch cầu biết mình có bệnh khi được đưa vào cấp cứu, nhiều hơn bất kỳ loại ung thư nào khác.
Nhiều người nghĩ rằng bạch cầu là căn bệnh phổ biến ở trẻ em nhưng số ca mắc ở người lớn không hề nhỏ, đặc biệt ở nhóm trên 65 tuổi.