Thiện Lê/Người Việt
HOLLYWOOD, California (NV) – Thập niên 1980 là một thời điểm thành công cho điện ảnh Mỹ. Không những vậy, phim còn được Thư Viện Quốc Hội lưu trữ vào kho phim quốc gia vì sức ảnh hưởng đối với điện ảnh ngày nay.
Thập niên 1980 thường được gọi là “thập niên dư thừa,” tạo ra nhiều phim “bom tấn” có nhạc nền âm thanh lớn, có màu sắc rực rỡ và kinh phí cao không ngờ được. Không chỉ vậy, sự “dư thừa” đó còn ảnh hưởng đến sự sáng tạo và đam mê, giúp phim của thập niên này trở thành kinh điển, đến hơn 40 năm sau vẫn đáng xem lại.
Blade Runner
Dựa theo cuốn tiểu thuyết “Do Androids Dream of Electric Sheep?,” phim “Blade Runner” của vị đạo diễn đa tài Ridley Scott công chiếu vào năm 1982 và chinh phục hàng triệu khán giả khắp thế giới.
Bộ phim lấy bối cảnh giả định ở tương lai khi mà cả thế giới bị không khí ô nhiễm bao trùm, đất đai bị hủy hoại, nguồn tài nguyên hoàn toàn cạn kiệt, không có một sự sống từ cây cỏ, bắt buộc con người phải đi tìm những vùng đất mới để khai thác, trong đó vùng đất Off-world là nơi vẫn còn có thể khai phá.
Những người nhân bản được con người tạo ra, được gọi là Replicant, có sức mạnh hơn, thông minh hơn nhưng tuổi đời chỉ có bốn năm, trở thành công cụ để phục vụ cho con người. Nhưng vì là có trí tuệ nên Replicant dần nhận ra giá trị tồn tại của mình và bắt đầu nổi loạn, đối đầu với đội cảnh sát Blade Runner từ Trái Đất, tạo ra các màn rượt đuổi nghẹt thở nhưng cũng đầy ý nghĩa.
Cái hay của đạo diễn Ridley Scott chính là cách ông đặt ra các tình huống trong phim của mình, để lại nhiều ngẫm nghĩ, triết lý cũng như những hoài nghi về sự tồn tại của loài người.
“Blade Runner” không chỉ là một tác phẩm khoa học viễn tưởng thông thường mà còn kết hợp cả thể loại neo-noir xuất sắc, khi các nhân vật trong phim phải đối diện với bản ngã bên trong mình và tìm ra lý tưởng sống đúng nghĩa và nhân văn nhất. Vì vậy, đến nay vẫn có rất nhiều khán giả xem đi xem lại.
Die Hard
“Die Hard” công chiếu năm 1988 là một trong những phim hành động thành công nhất của thập niên 1980, và giúp thay đổi sự nghiệp của tài tử Bruce Willis.
Phim đưa khán giả theo cảnh sát John McClane, do Bruce Willis đóng, vô tình bị cuốn vào một cuộc cướp có tổ chức, phải đối đầu với những kẻ khủng bố gian ác, tàn bạo được trang bị các vũ khí tân tiến, khi anh bị mắc kẹt trong một tòa nhà.
Khác với nhiều phim hành động trước và cùng thời, “Die Hard” làm nhân vật chính phải chịu nhiều đau đớn, gặp nhiều khó khăn để đánh bại kẻ địch và hoàn thành nhiệm vụ.
Điểm đặc biệt của “Die Hard” là ông McClane không phải là anh hùng vạm vỡ hay là một võ sĩ nguy hiểm, mà chỉ là một người bình thường phải tìm mọi cách để sống còn và cứu gia đình. Trong một đoạn phim, ông McClane phải đau đớn gỡ từng mảng thủy tinh găm vào lòng bàn chân rỉ máu để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Từ đó, Bruce Willis trở thành một biểu tượng của phim hành động Mỹ qua nhiều phần “Die Hard” tiếp theo và nhiều phim gay cấn khác.
Indiana Jones: Raider of the Lost Ark
Một phim mà không thể nào không nhắc đến của thập niên 1980 là “Indiana Jones: Raider of the Lost Ark,” phần đầu của dòng phim “Indiana Jones” lừng lẫy.
Với sự dẫn dắt của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, khán giả đi theo nhiều cuộc phiêu lưu của nhà khảo cổ học Indiana Jones do Harrison Ford đóng. Ông đi tìm Rương Thánh Tích và phải đối mặt với Đức Quốc Xã trong mọi điểm của cuộc phiêu lưu. Với sự giúp đỡ của người tình cũ là cô Marion Ravenwood, Indiana Jones để giúp thế giới không gặp nguy hiểm từ Đức Quốc Xã với sức mạnh của Rương Thánh Tích.
“Indiana Jones: Raider of the Lost Ark” đạt được đến năm giải Oscar, còn có doanh thu đại thành công đến $389 triệu trong khi kinh phí $20 triệu.
Tác phẩm này giúp đạo diễn Steven Spielberg trở thành một tên tuổi hàng đầu của Hollywood, và tài tử Harrison Ford nổi tiếng hơn sau khi đóng “Star Wars” của thập niên 1970.
Đối với hàng triệu khán giả, hình ảnh chiếc mũ fedora, cây roi và nhạc nền của dòng phim đã quá quen thuộc với họ từ thập niên 1980 đến nay.
Raging Bull
Phim nào có đạo diễn Martin Scorsese và tài tử Robert De Niro hợp tác thì gần như không thể chê được, và tác phẩm “Raging Bull” của năm 1980 là một trong những phim đó.
Phim nói về võ sĩ người Mỹ gốc Ý có thật là ông Jake LaMotta, nhà vô địch hạng trung của thập niên 1950. Vai này do tài tử De Niro đóng.
Tác phẩm này bắt đầu vào năm 1964, lúc ông LaMotta đã giải nghệ và đang tập diễn hài độc thoại, sau đó quay về trận đấu với Jimmy Reeves của năm 1941. Đây là trận đấu thua đầu tiên trong sự nghiệp của ông.
Đến năm 1943, ông gặp một cô gái 15 tuổi tên là Vickie, và muốn quen cô dù mình đã có vợ. Đến năm 1945, ông LaMotta cưới cô Vickie, sau đó liên tục lo lắng cô quan hệ với nhiều người đàn ông khác. Những suy nghĩ ghen tuông đó làm ảnh hưởng đến sự nghiệp quyền Anh của ông, làm ông thua nhiều trận đánh và cuối cùng phải giải nghệ vào năm 1954.
“Raging Bull” giành được hai giải Oscar, trong đó có giải nam diễn viên xuất sắc nhất của tài tử Robert De Niro.
The Last Emperor
Thập niên 1980 không chỉ có nhiều phim Mỹ hay, mà còn có phim về Trung Quốc vô cùng đáng nhớ là “The Last Emperor” của ông Bernardo Bertolucci, đạo diễn người Ý.
Phim đưa khán giả đi theo cuộc đời của Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh và còn là hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, từ lúc lên ngôi khi chỉ mới 3 tuổi cho đến khi đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt và cải tạo chính trị.
“The Last Emperor” là phim của Tây Âu đầu tiên được Trung Quốc cho phép quay trong Tử Cấm Thành, và đến nay vẫn là một phim thành công về đánh giá của các nhà phê bình và doanh thu.
Tác phẩm này đoạt được đến tổng cộng chín giải, trong đó có phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất, còn đoạt ba giải BAFTA, bốn giải Golden Globes và còn đoạt giải Grammy vì nhạc nền xuất sắc. (Thiện Lê) [qd]
—–
Liên lạc tác giả: [email protected]