MANILA, Philippines (NV) – Nhật Bản và Philippines cùng nhau ký kết một hiệp ước quốc phòng quan trọng hôm Thứ Hai, 8 Tháng Bảy, cho phép Nhật Bản khai triển quân lực tham gia các cuộc tập trận hỗn hợp tại quốc gia Đông Nam Á, nơi từng bị Nhật Bản chiếm đóng tàn bạo trong Đệ Nhị Thế Chiến nhưng nay đang cố kết liên minh với Tokyo khi cả hai quốc gia đều phải đương đầu với một Trung Quốc ngày càng tác oai tác quái, theo hãng tin AP.
Thỏa Thuận Hỗ Tương Song Phương RAA, cũng cho phép quân lực Philippines hiện diện tại Nhật Bản để huấn luyện tác chiến chung, được Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro và Bộ Trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Yoko Kamikawa đồng ký kết trong một buổi lễ tại Manila trước sự chứng kiến của Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. RAA sẽ có hiệu lực sau khi được cơ quan lập pháp của hai quốc gia phê duyệt, các viên chức Philippines và Nhật Bản cho biết.
Ngoại Trưởng Kamikawa gọi bước tiến ký kết thỏa thuận quốc phòng là “một thành tựu đột phá” sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia.
Giới chức Nhật Bản và Philippines “bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về các hành động gây hấn không ngừng nghỉ do Trung Quốc thực hiện” tại Bãi Cạn Second Thomas, nơi gần đây lực lượng Trung Quốc và Philippines đụng độ giữa ở Biển Đông.
Từ Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lin Jiao (Lâm Kiện) cho biết “khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không cần các khối quân sự, nói chi tới các nhóm lẻ tẻ kích động các cuộc đối đầu giữa các khối hoặc một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới” và nhắc nhở Nhật Bản hãy nhớ rằng họ đã từng gieo rắc nỗi khiếp đảm cho các quốc gia Đông Nam Á trong Đệ Nhị Thế Chiến ra sao, trong đó có cả Philippines.
“Nhật Bản nên tự vấn lương tâm về lịch sử xâm lược của mình và hãy thận trọng trong từng nước cờ an ninh quân sự,” họ Lâm cho biết.
Hiệp ước quốc phòng với Philippines, gồm có các cuộc tập trận bắn đạn thật, là hiệp ước đầu tiên được Nhật Bản ký kết tại Á Châu. Nhật Bản từng ký các hiệp định tương tự với Úc vào năm 2022 và với Anh Quốc vào năm 2023.
Dưới thời Thủ Tướng Fumio Kishida, Nhật Bản thực hiện các chính sách nhằm tăng cường an ninh và hỏa lực phòng thủ, gồm có khả năng phản công, phá vỡ nguyên tắc thời hậu chiến của Nhật Bản, đó là chỉ tập trung vào tự vệ. Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong thời gian năm năm tính tới 2027 trong một hành động nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và nâng tầm vóc Nhật Bản lên thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhiều quốc gia láng giềng của Nhật Bản tại Á Châu, gồm có Philippines, từng bị Nhật Bản xâm lược cho tới khi quốc gia này thất thủ trong Đệ Nhị Thế Chiến, vì thế việc Tokyo nỗ lực nhằm tăng cường vai trò quân sự và chi tiêu quốc phòng có thể là một vấn đề tế nhị. Tuy nhiên, Nhật Bản và Philippines cũng không ngừng cố kết quan hệ quốc phòng và an ninh.
Hành động của Thủ Tướng Kishida phù hợp với nỗ lực của Tổng Thống Marcos nhằm hình thành các liên minh an ninh để tăng cường năng lực của quân đội Philippines vốn không mấy tối tân, trong việc bảo vệ các lợi ích lãnh thổ quốc gia tại Biển Đông. Thủy lộ đông đúc trong khu vực là chặng đường thương mại toàn cầu quan trọng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ nhưng cũng bị Philippines, Việt Nam, Mã Lai, Brunei và Đài Loan tranh chấp một phần.
Hoa Kỳ cũng có hành động củng cố vành đai liên minh quân sự tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối đầu với Trung Quốc hữu hiệu hơn, nếu nổ ra xung đột với Đài Loan trong tương lai, cũng như trấn an các đồng minh Á Châu. Nhật Bản và Philippines là đồng minh của Hoa Kỳ theo hiệp ước, đồng thời cũng tổ chức các cuộc đàm phán ba bên vào Tháng Tư tại Tòa Bạch Ốc, nơi Tổng Thống Joe Biden tiếp tục khẳng định cam kết “cứng như thép” của Washington trong việc bảo vệ Nhật Bản và Philippines.
Các đảo trên Biển Đông Trung Hoa là vấn đề tranh chấp lãnh hải dai dẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đó, lực lượng tuần duyên và tàu hải quân Trung Quốc và Philippines cũng đối đầu kịch liệt trên Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) từ năm ngoái.
Trong cuộc đối đầu tồi tệ nhất từ trước tới nay, lực lượng tuần duyên Trung Quốc lái thuyền máy, trang bị dao, giáo và rìu liên tục có hành động ủi và đập phá hai tàu tiếp tế của hải quân Philippines vào ngày 17 Tháng Sáu, đó là trận đối đầu hỗn loạn tại Bãi Cạn Second Thomas đang tranh chấp, khiến một số thủy thủ Philippines bị thương. Lực lượng tuần duyên Trung Quốc tịch thu được bảy khẩu súng trường của Hải Quân.
Giới chức Nhật Bản và Philippines cho biết hành động của Trung Quốc tại bãi cạn “cản trở quyền tự do hàng hải và làm đứt đoạn các kế hoạch tiếp tế, dẫn tới gia tăng căng thẳng”.
Kihara cho biết trong một cuộc họp báo rằng Nhật Bản “kiên quyết phản đối việc điều động các cơ quan an ninh và tàu dân quân hàng hải với mục đích nguy hiểm và bức hại.”
Philippines phản đối mạnh mẽ hành động của lực lượng tuần duyên Trung Quốc và yêu cầu bồi thường $1 triệu cho thiệt hại và đòi lại các khẩu súng trường. Trung Quốc tố cáo Philippines kích động bạo lực, nói rằng các thủy thủ Philippines đi vào vùng biển bị Trung Quốc tuyên bố lãnh hải bất chấp cảnh cáo.
Nhật Bản và Hoa Kỳ nằm trong số những quốc gia đầu tiên bày tỏ lo ngại về hành động của Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế. Washington có nghĩa vụ bảo vệ Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất tại Á Châu, nếu quân lực, chiến hạm và chiến đấu cơ Philippines bị tấn công võ trang, kể cả trên Biển Đông. (TTHN)