Nam sinh nhập viện với vết thương chảy máu, sưng nề, có dấu hiệu hoại tử ngón chân trái. Cậu bé bị rắn cắn, cha mẹ đắp thuốc nam cho trẻ trước khi đưa đi viện cấp cứu.
Tai nạn xảy ra với bệnh nhi 9 tuổi ở huyện Hà Quảng (Cao Bằng) ngày 15/8. Người nhà cho biết trẻ đang chơi trong nhà thì bị rắn không rõ loại cắn vào ngón chân. Sau đó, ngón chân chảy máu, trẻ đau nhiều, người nhà đã dùng thuốc nam đắp vào vết thương rồi đưa đến cơ sở y tế.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng. Lúc này, vùng tổn thương do rắn cắn bị sưng nề, có dấu hiệu hoại tử ngón 4 bàn chân trái. Trẻ được truyền dịch, kháng sinh và chuyển lên tuyến trên.
Các bác sĩ cho biết khoảng thời gian mưa nhiều, ẩm ướt như hiện nay là điều kiện thuận lợi để các loài rắn hoạt động mạnh. Nếu không may bị rắn độc cắn, bệnh nhân có thể tử vong, thường là suy hô hấp do liệt cơ.
Các loại rắn gây liệt thường là cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ mang, rắn biển… Liệt cơ thường xuất hiện từ 1 đến vài giờ sau khi bị rắn cắn. Một số trường hợp vết cắn vào tĩnh mạch, bệnh nhân liệt rất nhanh ngay sau khi gặp tai nạn. Không ít người có thể bị liệt cơ, suy hô hấp và tử vong trên đường vận chuyển tới cơ sở y tế.
Xử trí khi bị rắn cắn
– Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.
– Trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.
– Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương.
– Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, hoặc bằng nước sạch.
– Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
– Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, khẩn trương đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất (có thể cầm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn).
Tuyệt đối không tự ý dùng lá thuốc chữa rắn cắn, trích rạch hay chữa bằng mẹo,… khi bị rắn cắn. Điều này có thể làm tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng như hoại tử mức độ tối đa, biến chứng nặng hoặc tử vong.