BRUSSELS, Bỉ (NV) – Nhiều tổ chức nhân quyền và nghị viên Liên Âu (EU) chỉ trích các cuộc đối thoại giữa EU và CSVN không dẫn đến tiến bộ nhân quyền nào cả.
Họ đòi hỏi các nước EU phải có những biện pháp quyết liệt để buộc chế độ Hà Nội thực thi các điều đã cam kết mà đến nay vẫn tảng lờ, thậm chí còn đàn áp nhân quyền tệ hại hơn nữa, theo bản tin của ký giả David Hutt viết trên mạng Deutsche Welle.
Deutsche Welle (DW) là hệ thống truyền thông đa ngôn ngữ của chính phủ Đức, tương tự như BBC của Anh Quốc. Cũng như Hoa Kỳ, EU thường xuyên có các cuộc đồi thoại nhân quyền với CSVN, thúc đẩy cải thiện nhân quyền ở cái xứ độc tài đảng trị này vốn có cái khẩu hiệu tuyên truyền “của dân, do dân và vì dân” nhưng tất cả chỉ là bánh vẽ.
Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đang kêu gọi Liên Âu chấm dứt các cuộc đối thoại nhân quyền vô bổ với Hà Nội sau cuộc đối thoại giữa hai bên diễn ra hồi tuần trước. Nhưng nhiều viên chức EU nói với DW rằng tuy họ rất quan ngại về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam, họ thấy vẫn phải giữ kênh đối thoại với hy vọng cải thiện.
EU đối thoại nhân quyền với CSVN từ năm 1990 với ít nhất diễn ra 20 lần kể từ năm 2002 đến nay. Thống kê này được tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) nêu ra trước cuộc đối thoại lần sau cùng ở Brussels, Bỉ, ngày 4 Tháng Bảy vừa qua.
Trong suốt thời gian dài như thế, CSVN “chưa hề đạt được chút ít tiến bộ nào về các vấn đề mà EU nêu ra với phía Hà Nội”, bức thư của HRW gửi EU viết. Các cuộc đàn áp nhân quyền tại Việt Nam “chỉ có gay gắt hơn” nhất là từ khi CSVN ký được bản Hiệp định Tự do Mậu dịch với EU, hiệu lực từ năm 2020. Theo các dữ kiện được Tổ chức 88 ở Hoa Kỳ thu thập, hiện đang có ít nhất 192 nhà hoạt động nhân quyền bị cầm tù tại Việt Nam và 400 người khác có nguy cơ bị bỏ tù.
Bản báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận rằng, bên cạnh các cấm đoán ngôn luận và hội họp, có những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy “nhà cầm quyền giết người một cách độc đoán và bất hợp pháp” cũng như “tra tấn hoặc đối xử độc ác, bất nhân hay hay đối xử hạ cấp, trừng phạt bởi công an của chế độ”.
Nên chấm dứt đối thoại?
Với tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam những năm gần đây, HRW trong tháng này thúc giục EU “đừng lập lại các cuộc đối thoại vô bổ vì chỉ vun xới được ảo tưởng giải quyết chuyện đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.”
“Trừ phi cuộc đối thoại nhân quyền được dùng để đưa ra những hệ quả và chuẩn mực để tránh tái diễn, bằng không, đối thoại sẽ chỉ có hình thức”. Ông Claudio Francavilla, phó giám đốc vận động của HRW phát biểu.
Ben Swanton, đồng giám đốc tổ chức Dự án 88 (88 Project) nói với truyền thông DW rằng đối thoại nhân quyền với CSVN chẳng có tác dụng gì. Theo ông, Liên Âu nên đòi Hà Nội bãi bỏ “Chỉ thị 24”, một cái lệnh của Bộ Chính trị đòi thuộc cấp phải đàn áp nhân quyền hơn nữa. Đồng thời, cấm vận CSVN trên nhiều bình diện thay vì xí xóa cho các trò đàn áp nhân quyền qua các cuộc biểu diễn đối thoại.
HRW thúc EU đe dọa dừng thi hành các Hiệp định Hợp tác (PCA) và cả Hiệp định Tự do Mậu dịch (EVFTA) với Việt Nam vì ngay chương 1 của PCA đã xác định CSVN phải “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền” là “yếu tố cốt lõi” của thỏa hiệp. Họ cũng kêu gọi Liên Âu cấm vận những chức sắc và cơ quan CSVN chịu trách nhiệm về đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống tại Việt Nam.
Nguồn tin mà DW tiếp xúc không phủ nhận các cam kết của Liên Âu về nhân quyền trên thế giới, nhưng cũng không tin rằng EU dùng các cuộc đối thoại nhân quyền để đạt được lợi thế tại các nước độc tài. Họ chống chế rằng EU sợ gây trở ngại cho những hứa hẹn nhằm cải thiện quyền công nhân và cho các nhà hoạt động môi trường nhiều tự do hơn tại Việt Nam, như một phần của hiệp định EVFTA.
Theo DW, từ khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2021, trên nguyên tắc là CSVN cho các tổ chức công đoàn độc lập được thành lập, nhưng thực tế thì ngược lại. Thêm nữa, chỉ thị 24 của Bộ Chính trị CSVN bị rò rỉ cho thấy chế độ Hà Nội lại gia tăng nỗ lực trừ diệt “các thế lực phản động và thù địch” muốn “khủng bố” đất nước qua sự thành lập, liên minh các “tổ chức xã hội dân sự”, các công đoàn độc lập, “tạo tiền đề thành lập các nhóm chính trị đối lập”.
Là một phần của hiệp định EVFTA, Hà Nội dự trù thành lập “Nhóm tư vấn trong nước” để đại diện các doanh nghiệp và các nhóm xã hội dân sự thảo luận công khai về việc áp dụng hiệp định, nhưng nhiều thành viên của các nhóm môi trường và nhóm xã hội dân sự đã bị bỏ tù.
Dù vậy giới chức của Liên Âu vẫn muốn tiếp tục đối thoại với Hà Nội vì cho rằng đây là con đường dẫn tới thay đổi. (NTB)