Sunday , December 8 2024

‘Không Gian Xưa,’ kỳ thứ 19 tại Viện Việt Học: Dư âm còn mãi bên đời

Văn Lan/Người Việt 

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều nhạc ‘Không Gian Xưa,’ kỳ thứ 19, diễn ra tại Viện Việt Học, thành phố Westminster, hôm Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Một, thu hút khán giả chật kín cả thính phòng.

Toàn thể các ca nghệ sĩ trong chiều nhạc của nhóm Không Gian Xưa, ủng hộ Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Khán giả đến từ rất sớm để được nghe lại những nhạc phẩm vượt thời gian được các ca nghệ sĩ trình diễn, gồm: Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Xuân Thanh, Ái Phương, Vũ Quốc Thái, Tuyết Nhung, Túy Hoa, Nguyễn Hoan, Ngọc Nôi, Phi Loan, Hồng Quyên, Thiên Hương, Nguyễn Đình Ngà, Đông Triều, Ngô Hoàng Oanh, Nhóm Cát Trắng, cùng tiếng dương cầm của Quỳnh Nga, Trần Toản (guitar), Thu Vân (đàn tranh), Trần Sang-Lê Đức Toàn (keyboard), Kiên Trung-Trần Đức (âm thanh), Phạm Duy Mạnh biên soạn chương trình, và phu nhân Lan Thy, điều hợp.

Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, cảm ơn khán thính giả đến tham dự để được nghe lại những dòng nhạc xưa đã đi qua bao năm tháng, và xin lỗi vì không gian nhỏ bé để có thể chứa nhiều tấm lòng yêu âm nhạc quá đông.

Tam ca Ngọc Quỳnh, Xuân Thanh, Ái Liên trong nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà Lan Thy, cánh chim đầu đàn của nhóm Không Gian Xưa, bộc bạch: “Trong suốt 13 năm qua, chúng tôi hầu hết đã dùng những dòng nhạc xưa được yêu mến cho đến hôm nay là kỳ thứ 19, ‘Không Gian Xưa,’ hân hạnh với ước vọng sẽ đưa chúng ta trở về với những kỷ niệm một thời trên quê hương thân yêu, qua từng giai điệu, âm thanh, tiếng nhạc.”

“Như một ý nguyện vẫn chưa thực hiện được, hôm nay chương trình Không Gian Xưa mang đến đây tặng Viện Viện Học để gây quỹ. ‘Không Gian Xưa,’ không bao giờ nhận tiền, vậy tất cả tiền của các quý khán thính giả và các mạnh thường quân trao tặng, sẽ được trao lại cho Viện Việt Học,” bà tiếp.

Tuyết Nhung trong ca khúc “Cho Em Quên Tuổi Ngọc,” qua hai lời Việt và Pháp. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở màn chương trình là tam ca Lâm Dung, Xuân Thanh, Ái Liên qua liên khúc “Hoa Soan Bên Thềm Cũ,” sáng tác Tuấn Khanh và “Nắng Chiều” sáng tác Lê Trọng Nguyễn.

Tiếp đến là nhạc phẩm “Tiếng Hát Nửa Vời,” sáng tác Trần Trịnh, qua tiếng hát Vũ Quốc Thái, với nhiều cảm xúc của những buổi hẹn hò trao nhau tiếng cười, nụ hôn đầm ấm.

Nguyễn Hoan trong ca khúc ‘Cho Em Quên Tuổi Ngọc.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Không gian chùng xuống khi tiếng sáo Ngọc Nôi, tiếng đàn tranh của Thu Vân, hòa cùng giọng ngâm Phi Loan cất lên, đã đưa không gian vào một tình tự ngàn xưa trên cõi nhân gian qua thi phẩm “Ngày Xưa Có Mẹ,” sáng tác Thanh Nguyên.

Những vần thơ đến nao lòng khi tình mẹ bao la đã trải qua bao nhiêu kiếp người, tiếp nối sinh sôi trên thế gian như một vòng luân hồi bất tận, để rồi chợt nhận ra mẹ có nghĩa là ánh sáng, một ngọn đèn thắp bằng máu con tim. Mẹ có nghĩa là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ.

Từ trái, tiếng sáo Ngọc Nôi, Phi Loan diễn ngâm thi phẩm ‘Ngày Xưa Có Mẹ,” và Thu Vân đàn tranh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Những âm giai trữ tình với điệu bolero, rộn ràng với tango, samba dạt dào cảm xúc, cùng điệu bosa nova, slowrock dịu êm mang đến khán thính giả một chiều nhạc tràn ngập những cảm xúc trở về với thời gian và không gian ngày cũ.

Hồng Quyên với “Mùa Thu Mây Ngàn,” sáng tác Từ Công Phụng, với không gian bãng lãng nhẹ trôi. Cô cho hay với lời nhạc lãng mạn êm như thơ, đã chạm đến tim mình khi hát bài này, và đây là lần thứ hai cô hát bài này, dòng nhạc với ca từ lãng mạn và sang trọng vô cùng.

Nhóm Cát Trắng trong nhạc phẩm “Ngày Xưa Hoàng Thị.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Một trong những nhạc phẩm trữ tình của Lam Phương “Cho Em Quên Tuổi Ngọc,” viết bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp (C’est Toi) để dành tặng ca sĩ Bạch Yến khi ông ghé qua Paris, sau này được ca sĩ Thanh Lan đặt thêm lời tiếng Anh sau khi nhạc sĩ Lam Phương qua đời. Tuyết Nhung trong ca khúc này đã xuất sắc chuyển hết tâm tư nỗi niềm của tác giả, bằng cả hai lời Việt và Pháp, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.

Hồng Quyên trong nhạc phẩm “Mùa Thu Mây Ngàn.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cặp song ca ăn ý Phạm Đình Ngà-Thiên Hương với nhạc phẩm “Một Ngày Vui Mùa Đông,” sáng tác Lê Uyên Phương, rộn ràng với nhịp điệu vui tươi khi mong em từng giây, chờ đến trăng tà, rồi đến Xuân qua, cho tình yêu nhớ mong, chờ mãi người yêu để rồi đượm buồn khi… thềm ga vắng tanh!

Ông Nguyên Đoàn ngồi dự từ đầu đến cuối chương trình, chia sẻ: “Không Gian Xưa kỳ nào tổ chức, tôi cũng đều tham dự. Hôm nay quá xuất sắc từ chương trình, nội dung, đến ca sĩ trình bày các nhạc phẩm, âm thanh, đều tuyệt vời. Dù không chuyên nghiệp nhưng với tất cả tình yêu âm nhạc, các ca sĩ đều hát từ tấm lòng yêu quê hương đất nước với những tình tự dạt dào. Tôi thấy còn hay hơn các ca sĩ chuyên trình diễn với kỹ thuật cao nhưng không có hồn. Âm nhạc là sự tương tác từ người nhạc sĩ, qua tác phẩm, đến khán thính giả.”

Song ca Phạm Đình Ngà và Thiên Hương trong nhạc phẩm “Một Ngày Vui Mùa Đông.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc phẩm “Bức Họa Đồng Quê,” với giai điệu vui tươi rộn ràng đã khép lại chương trình, cùng nỗi bâng khuâng tiếc nuối khi dòng nhạc như vẫn còn níu chân khán thính giả lưu luyến không rời trong một chiều se lạnh chớm Đông. [kn]

About admin

Check Also

MU có biến lớn, giám đốc Dan Ashworth bất ngờ ra đi

Giám đốc thể thao Dan Ashworth vừa quyết định từ chức dù ông mới được …