AUSTIN, Texas (NV) – Một đoạn phim kỹ nghệ tân tiến bắt chước giọng nói của Phó Tổng Thống Kamala Harris làm dấy lên mối lo ngại rằng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) có thể gây xáo trộn trong các cuộc bầu cử, Đài Euronews đưa tin.
Đoạn phim được công chúng chú ý sau khi Elon Musk, Tổng Giám Đốc Tesla và SpaceX, công bố trên X vào tối Thứ Sáu, 26 Tháng Bảy, nhưng không lưu ý rằng mục đích làm ra đoạn phim chỉ là để giễu cợt Harris.
Sau đó, Musk đăng lại đoạn phim kèm theo chú thích từ trương mục gốc, người đăng đoạn phim, rằng đó là một đoạn phim cợt nhả và nói thêm rằng “chế giễu là hợp pháp tại Hoa Kỳ.”
Đoạn phim lấy hình ảnh từ một quảng cáo chiến dịch tranh cử tổng thống của Harris trên thực tế nhưng thay giọng nói của bà bằng giọng nói bắt chước ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ.
Mia Ehrenberg, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Harris, cho biết trong một bức điện thư gửi cho hãng tin AP: “Chúng tôi tin rằng người Mỹ muốn có tự do, cơ hội và an ninh thực thụ mà Phó Tổng Thống Harris đang hoạch định; không phải là lời nói điêu ngoa giảo quyệt, thao túng người khác của Elon Musk và Donald Trump.”
Đoạn phim được lan truyền tràn lan là một ví dụ cho thấy AI có thể tạo ra nội dung kỹ thuật số như thật, dễ thực hiện hơn, và được dùng để giễu cợt hoặc thao túng công chúng về chính trị trong bối cảnh bầu cử.
Một số người dùng trên mạng xã hội thắc mắc liệu bài viết của Musk có vi phạm chính sách của X hay không, trong đó nêu rõ người dùng “không được lan truyền sản phẩm truyền thông chắp vá, đã qua chỉnh sửa hoặc có hoàn cảnh không phù hợp với mục đích gây ra tình trạng lừa phỉnh hoặc làm công chúng hiểu lầm và làm phương hại người khác.”
Chính sách này coi hình ảnh meme và châm biếm là ngoại lệ miễn là không gây ra “nhầm lẫn đáng kể về tính cách xác thực của phương tiện truyền thông.”
Bài viết đầu tiên do Musk đăng tải liên quan tới đoạn phim không nêu rõ đó là đoạn phim chế giễu và chỉ ghi “Thật tuyệt vời” kèm theo đoạn phim.
Trong tháng này, tỷ phú kỹ nghệ lên tiếng ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa.
Cả người dùng YouTube đăng đoạn phim, có tên trương mục là Mr Reagan, và Musk đều không lập tức trả lời yêu cầu bình luận qua điện thư hôm Chủ Nhật.
Hai chuyên gia chuyên về phương tiện truyền thông do AI chế tạo, xem xét âm thanh của quảng cáo giả và xác nhận rằng phần lớn âm thanh đều được AI tạo ra.
Một trong số họ, chuyên gia pháp y kỹ thuật số Hany Farid tại đại học University of California, Berkeley, cho biết đoạn phim cho thấy sức mạnh của AI cũng như deepfake (kỹ nghệ giả mạo chân dung).
“Giọng nói do AI tạo ra rất tốt,” Farid cho biết trong một bức điện thư. “Mặc dù phần lớn sẽ không tin đó là giọng nói của Harris, nhưng đoạn phim làm cho nhiều người tưởng đó là thật nhiều hơn khi bắt chước giọng nói của Harris.”
Farid cho biết các công ty AI tạo ra công cụ sao chép giọng nói cũng như các công cụ AI miễn phí cho người dùng sử dụng nên vạch ra chính sách chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm rằng các dịch vụ được họ cung cấp không bị lợi dụng để gây hại cho công chúng hoặc nền dân chủ.
Rob Weissman, đồng chủ tịch tổ chức vận động Public Citizen, không đồng tình với Farid, nói rằng ông nghĩ nhiều người sẽ bị lừa sau khi xem đoạn phim.
“Tôi không nghĩ đoạn phim rõ ràng là một trò giễu cợt,” Weissman nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi chắc chắn rằng phần lớn người ta sau khi xem đoạn phim đều không cho rằng đó là một trò đùa. Phẩm chất không tuyệt vời, nhưng đủ tốt. Và chính xác là vì đoạn phim xoáy sâu vào các vấn đề hiển hiện đang dậy lên xung quanh Harris, nên phần lớn sẽ bị dụ rằng đó là thật.” (TTHN)