Da Màu
WESTMINSTER, California (NV) – Buổi ra mắt trực tuyến tuyển tập “Beyond Borders” (Vượt Qua Những Biên Giới) qua hệ thống Streamyard bắt đầu từ lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, 20 Tháng Mười, là một cuộc mạn đàm của nhóm chủ trương tạp chí Da Màu.
Trước đó, Da Màu đã tổ chức hai buổi ra mắt sách vào Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, trong khuôn viên đại học University of California, Irvine (UCI); và Thứ Bảy, 19 Tháng Mười, tại đài truyền hình VietLife TV, Westminster, California.
Có lẽ ít tác phẩm nào được cho ra mắt trong ba ngày liên tiếp như tuyển tập “Beyond Borders” do Da Màu Press xuất bản. Đây là một công trình sáng tác/dịch thuật/hiệu đính/trình bày khá công phu và đầy thách thức.
Từ lúc chỉ là một ý định cho đến khi cuốn sách bằng xương bằng thịt ra đời cũng vừa tròn một năm trời. Tuyển tập “Beyond Borders” bao gồm 15 truyện ngắn bằng Anh Ngữ qua sự đóng góp của 14 tác giả và chín dịch giả. Một số truyện ngắn đã xuất hiện trong nguyên bản Việt Ngữ trên tạp chí Da Màu. Có truyện được chính tác giả chuyển ngữ sang tiếng Anh, có truyện được một dịch giả đảm nhận phần dịch thuật, và cũng có một số truyện được sáng tác trực tiếp bằng Anh Ngữ.
Ngoài những tác giả và dịch giả cư ngụ tại Nam California, nơi Da Màu chọn làm trụ sở, các tác giả và dịch giả khác sống và làm việc ở Texas, South Carolina, Virginia, Canada và Việt Nam.
Nhà văn Đinh Từ Bích Thúy cho biết cuốn sách được thực hiện qua sự tài trợ của tiểu bang và Thư Viện California, trong khuôn khổ của chương trình “Stop the Hate,” nhằm góp phần ngăn chặn các tội ác do nạn kỳ thị gây ra về nhiều mặt: chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, v.v.
Người điều hợp cuộc trò chuyện, nhà thơ Lê Đình Nhất Lang, nhắc lại một câu hỏi của nhà văn Trần Nguyên Đán: “Tập truyện bằng tiếng Anh này là một bước băng qua biên giới ngôn ngữ. Bây giờ coi như chúng ta đã ở vùng bên kia biên giới. Những bước đi kế tiếp của Da Màu sẽ là gì?”
Trả lời đầu tiên, nhà văn Đặng Thơ Thơ xác nhận tuyển tập “Beyond Borders” chỉ là bước đầu của Da Màu đi về hướng đưa văn chương Việt Nam đến với người đọc thế giới. Cô mô tả tình hình hiện nay là với số đầu sách xuất bản bằng Việt Ngữ lên đến hàng ngàn, thì những tác phẩm văn chương quan trọng được dịch sang những ngôn ngữ khác “chỉ đếm trên đầu ngón tay.”
Nhà văn Đinh Từ Bích Thúy nêu đóng góp của tuyển tập “Beyond Borders” nhìn từ một khía cạnh khác. Theo cô, tuy nhiều tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Anh đã có tác phẩm được xuất bản, và nhiều tác giả trong nước Việt Nam cũng đã có tác phẩm được dịch ra một hoặc nhiều thứ tiếng khác, thì đây là lần đầu tiên một nhóm tác giả Việt Nam ở hải ngoại có tác phẩm dịch. Ý nghĩa của những dự án dịch thuật như thế này, xét bên ngoài mục đích văn chương, còn bao gồm việc giúp giảm nhẹ xung đột giữa các thế hệ người Việt tha hương.
Trong cùng chiều hướng, nhà văn Trần C. Trí nói về hiện tượng có thể cho thấy cả một xu hướng đang diễn ra, đó là dường như sinh viên gốc Việt, cũng như sinh viên thuộc những gốc gác khác, đang ngày một quan tâm nhiều hơn đến những câu chuyện của người tị nạn và di dân Việt.
Ông Trí xác nhận có sự quan tâm nhiều hơn của sinh viên đối với di sản văn hóa Việt tại trường đại học UC Irvine ở miền Nam tiểu bang California, nơi ông đang giảng dạy. Nhưng ông cũng chỉ ra một thực trạng có từ vài năm trước, đó là số sinh viên gốc Việt còn nói và viết được tiếng Việt ngày một ít đi. Và vì thế, theo ông, mối quan tâm gần đây của họ có thể được hiểu như một sự trở về cội nguồn của những người trẻ.
Trả lời câu hỏi về vai trò của Da Màu trong việc hỗ trợ những người viết hiện không được phép xuất bản trong nước, nhà văn Đặng Thơ Thơ xác nhận sự hỗ trợ đó vẫn luôn là một trong những mục tiêu mà tổ chức Da Màu Foundation đã đặt ra. Nhưng cô nhấn mạnh rằng tiêu chí đầu tiên để chọn lựa tác phẩm dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là văn chương.
Nói thêm về sự hưởng ứng của những diễn đàn văn chương tiếng Anh, bao gồm những báo mạng văn chương tiếng Anh của những người viết Mỹ gốc Việt và cả những tờ tạp chí văn chương uy tín của dòng chính, nhà văn Đinh Từ Bích Thúy cho biết đã có hai truyện từ tuyển tập “Beyond Borders” được những diễn đàn bạn đăng lại.
Theo đó, tạp chí Asymptote đã đăng truyện ngắn “Giao Thừa” của Cung Tích Biền, qua bản dịch tiếng Anh “New Year’s Eve” do Nguyễn Hoàng Nam thực hiện. (Bạn đọc khi vào Asymptote đọc truyện Cung Tích Biền còn có thể xem những ghi chú của người dịch và nghe giọng của chính nhà văn đọc một đoạn nguyên tác tiếng Việt của mình, tại đường dẫn asymptotejournal.com/fiction/new-years-eve-cung-tich-bien).
Ngoài ra, báo mạng diaCRITICs, do nhà văn đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt sáng lập và nhà văn Eric Nguyễn điều hành, cũng đã đăng bản dịch truyện “Chiêm Bao Lần Nữa” của Trần Nguyên Đán, qua bản dịch tiếng Anh “Dreaming Once More” do Lê Đình Nhất Lang thực hiện, xem tại đường dẫn https://dvan.org/2024/10/dreaming-once-more.
Trong phần cuối buổi mạn đàm qua mạng, nhà văn Đặng Thơ Thơ dành ra vài phút để nói về cuốn tiểu thuyết “Ai” do cô vừa cho xuất bản, cũng trong năm 2024, dưới sự tài trợ của Thư Viện California.
Tiểu thuyết “Ai” có ít nhiều tương đồng về chủ đề với tuyển tập “Beyond Borders” theo đường hướng ngăn chặn sự sự thù ghét được giới hữu trách California khuyến khích đẩy mạnh trong những môi trường văn hóa, văn học nghệ thuật và sinh hoạt cộng đồng.
Cùng với nhà văn Đinh Từ Bích Thúy, cô xác nhận một số chi tiết liên quan đến việc phát hành sách của Da Màu Press: sách xuất bản theo các điều kiện của sự tài trợ từ tiểu bang California trên căn bản miễn phí. Người mua sách trên thực tế chỉ phải trả ấn phí và cước phí, còn Da Màu Press hoàn toàn không tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án này. (Da Màu) [qd]