LA HABANA, Cuba (NV) – Hôm Thứ Hai, 16 Tháng Chín, chính phủ nhà nước cộng sản Cuba giảm bớt một phần tư trọng lượng phần ăn bánh mì trợ cấp hàng ngày cho người dân, đây là đợt suy giảm mới nhất gây áp lực lên chương trình trợ cấp kéo dài hàng thập niên do cố Chủ Tịch Fidel Castro lập ra, theo hãng tin Reuters.
Bánh mì vẫn là một trong số ít các loại thức ăn căn bản còn được trợ cấp tại Cuba, sẽ bị giảm bớt từ 2.8 ounce (80 gram) xuống còn 2.1 ounce (60 gram), hoặc gần bằng trọng lượng của một cái bánh quy kích cỡ vừa hoặc một cục xà bông nhỏ. Giá bánh mì cũng giảm nhẹ, xuống chỉ dưới 1 peso, hoặc một phần ba cent.
Tuy nhiên, phần lớn dân Cuba, vốn chỉ kiếm được khoảng 4648 peso một tháng, chừng $15, gần như không đủ khả năng mua bánh mì mắc tiền hơn trên thị trường tư nhân, làm cho họ rơi vào vòng luẩn quẩn.
“Đành chịu thôi, chúng tôi còn có thể làm gì hơn bây giờ?” Dolores Fernandez, cư dân Havana, nói với Reuters trong lúc đứng bên ngoài một tiệm bánh vào Thứ Hai. “Không còn cách nào khác.”
Tuần trước, Cuba loan báo hết khối lượng bột mì cần thiết để sản xuất bánh mì, một nỗi trắc trở mà chính phủ đổ lỗi cho lệnh cấm vận thương mại do Hoa Kỳ áp đặt, một hệ thống phức tạp với các quy định làm khó dễ các giao dịch tài chánh trên toàn cầu của Cuba.
Đảo quốc vùng Caribbean đang phải gồng mình trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng về lương thực, xăng và thuốc men, vốn là nguyên nhân làm công dân Cuba lũ lượt kéo nhau qua Hoa Kỳ.
Sổ ghi chép phần ăn tại Cuba, hay “libreta,” tên gọi quen thuộc của cư dân trên đảo, từng được coi là chính sách điển hình của cuộc cách mạng do Fidel Castro ban hành năm 1959, mạnh tay giảm giá nhiều sản phẩm cho toàn thể dân Cuba, gồm có bánh mì, cá, thịt, sữa, vật dụng lau chùi và các mặt hàng vệ sinh.
Ngày nay, chính phủ đang phải chèo chống với tình trạng khủng hoảng nên chỉ có thể cung ứng các loại hàng hóa một cách lẻ tẻ và thường thì người dân không được nhận đúng lúc, phẩm chất kém hoặc tay không ra về.
Hôm Thứ Hai, Bernardo Matos, đến từ Havana, cho biết ông không để ý rằng ổ bánh mì đã nhỏ lại, nhưng ông không hài lòng với phẩm chất.
“Bánh mì dở quá,” ông nói ngay sau khi mua phần ăn. “Vị bánh mì như acid.”
Chính phủ Cuba cho biết đã lập kế hoạch tăng cường kiểm tra tại các tiệm bánh quốc doanh nhằm bảo đảm phẩm chất bánh mì không bị ảnh hưởng.
Đầu năm nay, Cuba kêu gọi Chương Trình Lương Thực Thế Giới WFP giúp đỡ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng sữa bột để trợ cấp cho trẻ em, một mặt hàng chủ lực khác trong sổ ghi chép phần ăn của Cuba đang trở nên khan hiếm trong thời gian gần đây.
Ngoài một số nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung còn lại như Cuba và Bắc Hàn, chế độ phát chẩn phần ăn thường chỉ áp dụng trong thời chiến, thiên tai hoặc các trường hợp bất trắc nhất định. (TTHN)