Sunday , December 8 2024

Công ty Mỹ về AI, năng lượng ký ‘Bản ghi nhớ’ với Việt Nam

NEW YORK, Mỹ (NV) – Một số tập đoàn Mỹ ký bản ghi nhớ về công nghệ thông tin, dầu khí, trung tâm dữ liệu với các đối tác Việt Nam nhân chuyến đi của ông Tô Lâm.

Theo hãng tin Reuters và báo Nhật Nikkei hôm Thứ Ba 24 Tháng Chín, các bản ghi nhớ đã được ký kết tại buổi hội thảo về kinh tế và đầu tư tại đại học Columbia với sự tham dự và phát biểu của ông Tổng bí thư Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm.

Công ty Supermicro quảng cáo sản phẩm của họ trên trang nhà Internet. (Hình: NV chụp màn hình)

Reuters dẫn thuật lại thông báo từ phía nhà cầm quyền Hà Nội nói các “Bản ghi nhớ” gồm cả chuyển giao công nghệ năng lượng giữa Kellogg Brown với Tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam, hợp tác về khí hóa lỏng (LNG) giữa công ty PTSC của PetroVietnam với công ty Excelerate Energy. Một bản ghi nhớ khác phát triển trung tâm dữ liệu và AI (trí tuệ nhân tạo) giữa tập đoàn Sovico của Việt Nam với công ty Mỹ Supermicro.

Đồng thời, hãng hàng không Vietjet của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá $1.1 tỉ USD với công ty Honeywell Aerospace Technologies về cung cấp thiết bị điện tử và dịch vụ kỹ thuật hàng không (sửa chữa) cho máy bay của Vietjet.

“Bản ghi nhớ” – Memorandums of Understanding (MoU) – chỉ là một văn kiện xác nhận hai bên đối tác trong tiến trình đàm phán để tiến đến một bản hợp đồng. Như vậy, “Bản ghi nhớ” không có ràng buộc pháp lý như một bản hợp đồng. Nếu hai bên không đạt được những thỏa thuận sau cùng qua đàm phán thì sẽ không có gì hết.

Trong bài phát biểu tại đại học Columbia, ông Tô Lâm ngỏ ý hy vọng Hoa Kỳ sẽ trở nên một nước có nhiều đầu tư nhất tại Việt Nam. Đồng thời, ông ta cũng mong mỏi Mỹ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, một điều mà nhiều chức sắc cấp cao của chế độ lập đi lập lại suốt nhiều năm qua vẫn chưa được công nhận.

Đầu Tháng Tám vừa qua, Bộ Thương Mại Mỹ ra quyết định vẫn không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường dựa trên những tiêu chuẩn hiện hành. Người ta tin rằng ông Tô Lâm sẽ lập lại điều yêu cầu này khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày mai, Thứ Tư 25 Tháng Chín, bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ.

Tuy nhiên, nếu ông Biden có gật đầu, thủ tục gỡ vòng kim cô cho hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang thị trường Mỹ cũng mất nhiều tháng nếu phía Hà Nội nộp đơn yêu cầu Washington cứu xét lại. Được công nhận là nền kinh tế thị trường thì hàng hóa của Việt Nam không bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá hay trợ giá dựa trên những tiêu chuẩn có tính trừng phạt.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ biểu tình chống Tô Lâm trước trụ sở LHQ ở New York ngày 22 Tháng Chín 2024. (Hình: Việt Tân)

Theo Nikkei, trong buổi hội thảo, ông Tô Lam cũng kêu gọi chính phủ Mỹ bãi bỏ giới hạn xuất cảng sang Việt Nam của tập đoàn Nvidia. Chủ tịch tập đoàn này, Jensen Huang, hồi cuối năm ngoái từng tới Hà Nội cam kết là sẽ biến Việt Nam thành “quê hương thứ hai của Nvidia”.

Vài giờ trước khi ông Tô Lâm lên đường đi Mỹ, CSVN thả sớm trước hạn tù ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng. Ông Thức chỉ được thả sớm 8 tháng của bản án 16 năm tù mà ông đã tuyệt thực dài ngày nhiều lần để phản đối. Điều khôi hài là ông từ chối xin “khoan hồng” để được trả tự do sớm và không chịu ra khỏi nhà tù nên đã bị khiêng lên máy bay đưa vào Sài Gòn (NTB).

About admin

Check Also

Video bàn thắng Campuchia 2-2 Malaysia: Rượt đuổi kịch tính

Tuyển Campuchia tạo bất ngờ lớn khi cầm hòa Malaysia với tỷ số 2-2, ở …