BRISBANE, Úc (NV) – Jenny Phan ước mơ được chu du trên bầu trời từ nhỏ.
“Tôi chưa từng biết gì về quân đội, tôi cũng chưa từng nghĩ mình có thể theo đuổi binh nghiệp,” kỹ thuật viên (Leading Aircraft Woman – LACW) Jenny Phan cho biết.
Tám năm trước, Jenny Phan có cơ hội tham gia trại huấn luyện hàng không với Không Lực Hoàng Gia Úc, theo Đài ABC Úc.
Khi nhìn thấy chiến đấu cơ F/A-18 Hornet chao lượn trong ngày khai mạc, cô quyết định “theo đuổi nghiệp quân nhân.”
“Lúc đó tôi ngẫm nghĩ, ‘không biết làm việc trên phi cơ sẽ ra sao,’” Jenny Phan cho biết.
Là một kỹ thuật viên phi cơ, cô là một thành phần trong 27 phần trăm quân nhân nữ thuộc lực lượng Không Quân.
Trong 10 năm qua, chương trình huấn luyện đề ra chính sách nhằm phù hợp với nhiều hoàn cảnh và tạo cơ hội cho phụ nữ.
Phi Đội Trưởng SQNLR Catherine Humphries, người tiên phong trong sáng kiến huấn luyện, cho biết các buổi đào tạo giúp những người phụ nữ trẻ khám phá hành trang sự nghiệp nhờ vào kinh nghiệm thực tế.
“[Thông qua] nghiên cứu, chúng tôi phát giác ra rằng người ta sẽ không nộp đơn xin việc trừ phi họ thực sự thấy bản thân họ thích hợp với nghề nghiệp đó, và ở phụ nữ, điều đó đặc biệt rõ ràng,” Humphries cho biết.
Không Lực Hoàng Gia Úc tổ chức sáu đợt huấn luyện hàng năm trong đó có vài thiếu nữ được chọn cho tham gia.
Trong số những người tham gia chương trình Amberley RAAF tại Brisbane có Alice, từng đắn đo giữa công việc tiếp tế quân nhu hay cơ khí.
“Trong trại huấn luyện, chúng tôi có thể làm nhiều thứ, từ những việc lặt vặt cho tới lái phi cơ,” Alice cho biết.
“Thực sự là tôi chưa hề biết gì về các vị trí như Loadmaster (sĩ quan đảm trách chất hàng hóa lên phi cơ) và kế hoạch chuẩn bị cho chuyến bay mô phỏng, cho nên đây quả là một kinh nghiệm tuyệt vời.”
Trong nguyên một tuần huấn luyện, nhóm được tham gia vào các buổi tập thể dục tập trung vào các yêu cầu của Không Quân, bay mô phỏng và đào tạo cứu hỏa để hỗ trợ ứng phó cháy rừng.
“[Đợt huấn luyện] vừa cho tôi thấy có những công việc như thợ máy và kỹ thuật viên trong Không Quân phụ nữ vẫn làm được,” Alice nói.
Với Jenny Phan, con đường binh nghiệp trong Không Quân không chỉ giúp cô mở mang về thế giới cơ khí mà còn là cơ hội để thực hiện ước mơ cả đời của gia đình.
“Bố tôi là dân tỵ nạn, ông tháo chạy khỏi Việt Nam — ông phải cố gắng tận ba lần mới thoát thân được,” Jenny Phan giải thích.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ, cha của Jenny Phan đào tỵ qua Mã Lai trong năm năm với tư cách là người tỵ nạn trước khi định cư tại Melbourne.
Jenny Phan cho rằng tính cách kiên cường và gan góc là nhờ cô thừa hưởng từ cha mình.
“Ông ấy luôn luôn muốn tận trung với quốc gia, nhưng quê hương của chúng tôi lại vuột mất sự tự do vốn dĩ,” Jenny Phan nói. (TTHN)