Sunday , December 8 2024

Chiến lược Biển Đông của Philippines và Việt Nam đều thất bại

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Việt Nam và Philippines áp dụng hai chiến lược khác nhau để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông đều thất bại.”

Đó là nhận định của nhà phân tích Derek Grossman thuộc viện nghiên cứu Rand, Hoa Kỳ, viết trên tạp chí Nhật Bản Nikkei ngày Thứ Hai, 15 Tháng Bảy, 2024. Ông Grossman từng là cố vấn phân tích tình báo tại Ngũ Giác Đài trước khi trở thành nhà phân tích tại Rand.

Tàu Hải Cảnh và Dân Quân Biển Trung Quốc ngăn chặn tàu tiếp tế của Philippines tiếp cận nhóm lính TQLC Phi ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hồi Tháng Ba, 2024. (Hình: Jam Sta Rosa/AFP/Getty Images)

Ông Grossman dẫn lời phát ngôn viên Hải Quân Philippines, Đề Đốc Roy Vincent Trinidad, bình luận sau sự việc căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đầy kịch tính giữa lực lượng Philippines và lực lượng Trung Quốc ngày 17 Tháng Sáu vừa qua: Việc xảy ra là “dấu hiệu gây hấn nghiêm trọng nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Biển Đông.”

Ông Trinidad không quá lời, theo ông Grossman. Vào ngày đó, Philippines đưa tàu tiếp tế cho nhóm Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) trấn giữ trên chiếc hải vận hạm phế thải ủi bãi nhằm xác định chủ quyền lãnh thổ tại Bãi Cỏ Rong (từ năm 1999). Tuy khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines xác định bởi Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Philippines và Trung Quốc đều ký công nhận, Trung Quốc lại tuyên bố khu vực này là thuộc quần đảo Trường Sa và nằm trong phạm vi “lưỡi bò” tưởng tượng chủ quyền của Bắc Kinh.

Ngày kể trên, tàu Trung Quốc lớn hơn đã đâm vào tàu Philippines, tịch thu võ khí của lính Philippines. Trong vụ này, nhiều thủy thủ Philippines đã bị thương trong đó một người đã bị cụt ngón tay.

Phần lớn những gì xảy ra trên biển được chính phủ Philippines cố ý phơi bày qua các video công bố trên các kênh truyền thông. Mấy năm gần đây, Manila thực hiện kế hoạch “sáng kiến minh bạch” hay “minh bạch quyết đoán” (transparency initiative, assertive transparency) nhằm phơi trần cách hành sử tồi bại của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ông Grossman đã thảo luận với các giới chức Philippines về chiến lược khi ông có chuyến thăm viếng Manila mới đây.

Trong khi đó, ở phía bên kia Biển Đông, Việt Nam tuy cũng có nhưng tranh chấp rộng lớn với Trung Quốc nhưng điều đáng nói là, kể từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chọn cách đối phó ngược lại.

Ông Grossman gọi đó là “sáng kiến không rõ ràng” (opacity initiative). Theo ông CSVN đã đạt thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh là không công khai hóa các xung đột giữa họ tại khu vực. Đồng thời, giải quyết các bất đồng và căng thẳng giữa hai nước hoàn toàn trong hậu trường nhằm tránh các leo thang không cần thiết.

Theo Grossman, cả hai cách đối phó như kể trên đều không thành công. Bắc Kinh vẫn điều hòa gia tăng áp lực đối với Philippines với chiến thuật “vùng xám” (gray zone tactics – bán quân sự) như đâm tàu, bám theo, chặn đường, bao vây, xịt vòi rồng và dùng cả tia laser chiếu vào cả tàu dân sự và quân sự của Philippines. Biến cố xảy ra ngày 17 Tháng Sáu nói trên nghiêm trọng đến nỗi cả Manila và Washington đều tin rằng nó đủ để kích hoạt Hiệp Định Tương Trợ Quốc Phòng (MDT) ký giữa Mỹ và Philippines từ năm 1951.

Về phía Việt Nam, Grossman cho hay ông nói chuyện với một số chuyên viên của chế độ thì được biết là nhiều leo thang cũng đang tiếp diễn chứ không phải không có. Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi của họ ra khắp Biển Đông và đẩy lực lượng Việt Nam ra ngoài hoặc ngăn chặn họ tới các khu vực tranh chấp. Không thấy ông Grossman nêu ra nhưng người ta biết Trung Quốc cho hàng đoàn tàu Hải Cảnh và Dân Quân Biển bỏ neo thường trực hay tuần tiểu ở các khu vực tranh chấp.

Một trong những sự việc hiếm hoi được nhóm “Sáng Kiến Minh Bạch Biển Đông” (AMTI thuộc tổ chức CSIS ở Washington) viết tường trình mấy tháng gần đây cho thấy Hà Nội hối hả bồi đắp hay mở rộng một số đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa nhằm đối phó lại với các căn cứ trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng từ thập niên trước. Hà Nội có vẻ muốn quân sự hóa một trong những nơi đó.

Tại sao hai cách đối phó từ minh bạch đến lờ mờ không không tác dụng? Theo Grossman, câu trả lời nằm trong bản chất hiện nay của chế độ Bắc Kinh.

Dưới thời lãnh đạo cũ như Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã được đưa vào trong câu thần chú của Mỹ thời Tổng Thống George W. Bush: Bắc Kinh phải hành sử như một bên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thời đó Trung Quốc cũng hô hò “trỗi dậy ôn hòa” để người ta không nghi ngờ họ có ý định xung đột với các lân bang hoặc với Mỹ.

Với Tập Cận Bình bây giờ là thứ người Hoa đã mặc quần áo khác. Từ 2012 trở lại đây, Trung Quốc ngày càng độc tài hơn và càng nghi ngờ phương Tây. Họ càng ngày càng coi thường những lời chỉ trích hay tiếng tăm. Thậm chí họ còn coi thường các cam kết quốc tế miễn đem lợi ích cho họ.

Chỉ riêng vấn đề Biển Đông, họ tảng lờ và đạp lên bản Công Ước Luật Biển (UNCLOS) mà họ ký tham gia. Thực tế cho thấy hai cách đối phó Trung Quốc của Việt Nam và Philippines đều lỗi thời, áp dụng đối phó với một chiến lược Trung Quốc không còn tồn tại.

Phơi bày cái xấu của Bắc Kinh trước dư luận không đủ để Philippines thuyết phục nhiều nước khác tiếp tay với Philippines đối phó với tình thế. Tập Cận Bình vẫn tuyên bố quyết liệt chủ quyền Biển Đông bất kể cái giá của tai tiếng.

Với Hà Nội, cách đối phó âm thầm cũng sai luôn vì cho rằng nếu những video hay tin tức về các trò lấn át của họ bị phơi bày, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Bắc Kinh. Suy nghĩ này bắt nguồn từ vụ hai bên kình chống nhau hơn hai tháng trời ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD981 khoan tìm dầu khí. Họ chỉ ngừng lại khi tai tiếng khắp thế giới là họ bất chấp UNCLOS.

Dân Hà Nội biểu tình hồi năm 2016 tưởng niệm những người lính đã hy sinh bảo vệ quần đảo Trương Sa bị Trung Quốc sát hại năm 1988. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, khi đó, Tập Cận Bình mới nổi, chưa mấy mạnh như bây giờ. Cả khối ASEAN và Mỹ ra tuyên bố lên án nên họ đã rút về hay việc dò tìm sơ khởi đã xong? Dù sao Hà Nội có vẻ tin rằng cho vụ việc chìm xuồng là tốt nhất hay nếu cần, trừng phạt Bắc Kinh bằng cách công bố tất cả các hành vi xâm lấn của họ ở khu vực. Dù sao, không có bằng cớ cho thấy cách tiếp cận này hữu hiệu.

Theo ông Grossman, thay vì đối phó như trên, cả Hà Nội và Manila nên có những chiến lược thực chất và hữu hiệu hơn. Philippines nên tính đến việc kích hoạt hiệp định hỗ tương với Mỹ. Còn Việt Nam cũng có thể tiến tới tập trận với Mỹ hoặc phối hợp chặt chẽ hơn với Lực Lượng Tuần Duyên Mỹ (US Coast Guard) tại Biển Đông.

Theo ông, không có cách đối phó nào là tuyệt hảo nhưng ít nhất cả hai cách phơi bày công khai hành vi của Bắc Kinh hay âm thầm đối phó đều thất bại. (NTB) [kn]

About admin

Check Also

HLV Lào lo học trò quá tự tin trước tuyển Việt Nam

HLV Ha Hyeok Jun yêu cầu tuyển Lào trở lại mặt đất sau trận thắng …