Theo Huệ Châu nhật báo, Chen bị chẩn đoán mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne (đặt theo tên nhà thần kinh học người Pháp Guillaume Benjamin Amand Duchenne đề cập tới bệnh vào những năm 1860). Đây là bệnh di truyền với tỷ lệ 10-33 ca mắc trên 10.000 bé trai sơ sinh. 

Trẻ phát bệnh khi 3-5 tuổi, chậm biết đi, hay ngã, cơ ngày càng yếu, lưng ưỡn, bụng phình, đứng lên ngồi xuống khó khăn. Các triệu chứng tăng nặng khi trẻ 8-10 tuổi, mất khả năng đi lại lúc 13-15 tuổi, khoảng 18 -20 tuổi, trẻ có thể tử vong do suy kiệt, suy tim, nhiễm khuẩn. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Người mẹ đã cõng Chen đến trường để anh có thể theo học. Ảnh: Chen Bin

Với trường hợp của Chen, khi 12 tuổi, anh không thể đi lại nữa. Ngoài ra, anh không cầm được vật nặng và cần giúp đỡ để hoàn thành các công việc hằng ngày như mặc quần áo, tắm rửa và ăn uống.

Nhưng nhờ sự hỗ trợ kiên trì của cha mẹ, Chen đã hoàn thành việc học tập rất xuất sắc.

Anh được nhận vào Đại học Trung Sơn – trường hàng đầu tại Quảng Châu năm 2012 để theo chuyên ngành tâm lý học. Bốn năm sau, anh đăng ký vào Đại học Thanh Hoa với tư cách là ứng viên tiến sĩ nhờ điểm số vượt trội tại trường Trung Sơn.  

Tháng 6 năm ngoái, Chen nhận bằng tiến sĩ. Hiện nay, người đàn ông 30 tuổi này là giáo viên tâm lý tại một trường cao đẳng ở quê nhà Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

“Mặc dù căn bệnh hạn chế khả năng vận động của cơ thể nhưng tôi vẫn có thể thực hiện được ước mơ của mình nhờ sự chăm sóc và tình yêu thương của gia đình, bạn bè”, Chen chia sẻ. Anh đặc biệt biết ơn mẹ mình, người đã dành cho anh “sự ủng hộ và động viên lớn nhất”.

Khi Chen còn nhỏ, mẹ của anh là bà Li Huiyun đã đưa con đến trường và về nhà mỗi ngày. Người mẹ cõng Chen trên lưng lên xuống cầu thang bộ từ căn hộ trên tầng 5 của họ. “Con trai, đừng lo lắng. Miễn là con muốn đi học, mẹ sẽ đi cùng và cõng con”, bà nói.

Theo SCMP, bà Li đã nghỉ việc để chăm sóc con trai, có thời điểm Chen nặng khoảng 50kg trong khi người mẹ chỉ nặng 55kg. “Tôi thực sự không biết mình đã xoay xở thế nào để vượt qua những năm tháng khó khăn đó”, Li nói.

Khi Chen trở thành sinh viên đại học, bà Li đến sống cùng để chăm sóc con trai. 

Cha của Chen là một công nhân phiêu bạt ở một số thành phố để làm nhiều công việc khác nhau suốt hàng chục năm để lo toan cho gia đình. Tới năm ngoái, ông mới nghỉ hưu sau khi Chen bày tỏ nỗi lo lắng cho sức khỏe của cha. 

Hiện tại, Chen Bin giảng dạy tại trường cao đẳng. Ảnh: SCMP

“Có lần tôi than thở tại sao cuộc sống lại bất công với tôi đến vậy. Sau đó, tôi đọc trong một cuốn sách rằng nếu bạn chỉ cần làm việc chăm chỉ hơn hầu hết mọi người một chút mỗi ngày, bạn sẽ thành công. Điều đó đã trở thành phương châm sống của tôi”, Chen tâm sự. 

Tại trường cao đẳng ở Huệ Châu, sinh viên rất khen ngợi phong cách giảng dạy của Chen. Họ nói rằng thày giáo tập trung và kiên nhẫn, đồng thời sử dụng nhiều ví dụ để giúp sinh viên hiểu về tâm lý học. “Bất cứ khi nào tôi cảm thấy thất vọng hoặc mất tự tin, tôi lại nghĩ đến thầy Chen. Thầy đã trải qua những thử thách khó khăn như vậy. Có lý do gì để chúng ta không tiếp tục không?” một học sinh nói.

“Thật là một người mẹ tuyệt vời và một người con trai giỏi giang. Tôi hy vọng gia đình họ sẽ khỏe mạnh và thịnh vượng trong tương lai”, một người dùng Internet viết. “Thầy Chen là một hình mẫu đáng khích lệ. Tất cả chúng ta nên học hỏi từ ông ấy”, một người khác nói.