Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đang xây dựng đề xuất tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng tiền trực, tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay. Dự kiến, văn bản sẽ được trình Chính phủ vào tháng 11.
Thông tin được đưa ra trong văn bản Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, liên quan tới những kiến nghị của cử tri tỉnh này trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Cụ thể, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định số 73/2011 quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
Bà Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đang xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2024. Nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm “tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay”. Tuy nhiên, trong văn bản này, Bộ Y tế chưa nêu rõ mức tăng là bao nhiêu.
Cùng đó, quyết định đang được Bộ Y tế xây dựng cũng sửa đổi, bổ sung 2 nội dung:
– Áp dụng quy định thời giờ làm việc, làm thêm và thanh toán chế độ làm thêm giờ đối với thời gian trực 24/24 giờ của viên chức, người lao động theo Bộ luật Lao động.
– Áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các đối tượng hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004 (bao gồm bảo vệ, lái xe, hộ lý, hợp đồng chuyên môn trong thời gian chờ thi tuyển viên chức.
Quyết định số 73/2011 quy định mức phụ cấp cho các đối tượng tham gia ca phẫu thuật như sau:
Đối tượng | Loại đặc biệt | Loại I | Loại II | Loại III |
Người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính | 280.000 | 125.000 | 65.000 | 50.000 |
Người phụ mổ, người phụ gây mê hồi sức hoặc phụ châm tê | 200.000 | 90.000 | 50.000 | 30.000 |
Người giúp việc cho ca mổ | 120.000 | 70.000 | 30.000 | 15.000 |
Mức phụ cấp (đồng/người/phẫu thuật) theo Quyết định số 73/2011. Mức phụ cấp thủ thuật bằng 0,3 lần mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại.
Cũng theo Quyết định số 73/2011, mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế được quy định như sau:
Hạng bệnh viện | Mức tiền/người/phiên trực 24 giờ | Khu vực hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt (1,5 lần mức chung) | Ngày nghỉ hằng tuần (1,3 lần mức chung) | Ngày lễ, Tết (1,8 lần mức chung) |
Hạng I, đặc biệt | 115.000 | 172.500 | 149.500 | 207.000 |
Hạng II | 90.000 | 135.000 | 117.000 | 162.000 |
Các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương | 65.000 | 97.500 | 84.500 | 117.000 |
Trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y | 25.000 | 37.500 | 32.500 | 45.000 |
Mức phụ cấp (đồng) người lao động trực được hưởng.
Quyết định 73/2011 cũng nêu rõ: Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ; trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.
Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực.
Đầu năm 2012, thời điểm Quyết định 73/2011 có hiệu lực, mức lương cơ sở là 830.000 đồng/tháng. Hơn 12 năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh thêm 8 lần, hiện ở mức 2.340.000 đồng/tháng nhưng các chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực; tiền ăn trên vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng.
Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc tổ chức cuối năm 2022, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ rất thấp và không phù hợp trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác.
Theo quy định mới nhất, để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ phải dành tới 6 năm học đại học y khoa và mất ít nhất 12 tháng thực hành. Trong khi, cả một ngày đêm trực vất vả, bác sĩ tại bệnh viện hạng I hay đặc biệt (như Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế, Chợ Rẫy…) chỉ nhận được 115.000 đồng. Một ca trực đêm 12 giờ của bác sĩ bệnh viện hạng III (thường là tuyến huyện) chỉ nhận hơn 30.000 đồng, chưa đủ mua một bát phở theo thời giá hiện tại.
Bộ Y tế từng xếp “thu nhập” là một trong những nguyên nhân cho việc chuyển dịch nhân lực từ công sang tư nhưng cơ quan này vẫn cho rằng đây không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết. Theo một báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 9.700 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có hơn 3.000 bác sĩ, gần 2.900 điều dưỡng).