Bộ Y tế dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, khi đó cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.
Tại buổi lễ được tổ chức nhân Ngày Dân số thế giới 11/7, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết mức sinh ở nước ta còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; xu hướng mức sinh thấp; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Cùng với đó, Việt Nam chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với già hóa dân số trong khi già hóa dân số là xu thế tất yếu của các quốc gia.
Điều này đặt ra những thách thức lớn, cần được đánh giá và thay đổi trong chính sách tiếp cận vấn đề, bởi dân số là câu chuyện của tương lai đất nước. Tuyến bài “Thách thức dân số ở Việt Nam” sẽ cung cấp một phần số liệu, thực trạng và nhận định xu hướng về tình hình dân số ở nước ta.
Bài 1: Mức sinh ở Việt Nam giảm kỷ lục, lo ngại thời kỳ dân số tăng trưởng âm đến gần
Bài 2: ‘Sức ép hôn nhân’ chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam
Người già sắp nhiều hơn trẻ em
Một trong những thách thức lớn mà vấn đề dân số Việt Nam đang phải đối mặt là tốc độ già hóa dân số nhanh “Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi”, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số Bộ Y tế, thông tin.
Nếu già hóa dân số là khái niệm được hiểu khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% tổng dân số (hoặc 7% với người từ 65 tuổi), thì với dân số già, tỷ lệ này là 20% (hoặc 14% với người từ 65 tuổi).
Năm 2009, cứ 11 người dân lại có 1 người từ 60 tuổi trở lên nhưng vào năm 2029, tỷ lệ này là 6:1, năm 2038 là 5:1. “Hai thập kỷ tới, tốc độ già hóa của Việt Nam càng mạnh mẽ hơn nữa”, Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định.
Chỉ số già hóa (tính bằng số người cao tuổi trên 100 trẻ dưới 15 tuổi) ngày càng tăng, hiện ở mức 53,1% (nghĩa là cứ 100 trẻ dưới 15 tuổi thì có 53,1 người cao tuổi). Dự báo, chỉ số này sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có lượng người cao tuổi nhiều hơn số lượng trẻ em.
Dự báo dân số cũng chỉ ra, năm 2019 Việt Nam chưa có tỉnh nào có lượng người cao tuổi nhiều hơn số trẻ em, nhưng vào năm 2029 sẽ có 14 tỉnh và năm 2039 sẽ có 41 tỉnh.
Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011. Như vậy, để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già, Việt Nam mất khoảng 27 năm. Bộ Y tế cho biết trên thế giới, nhiều quốc gia mất hàng trăm, hàng chục năm để tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 10% lên 20%. Trong khi đó, Việt Nam gia nhập nhóm các nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
Trung bình mỗi người già có thể mắc 2-3 bệnh nền
Theo các chuyên gia, già hóa dân số là điều tất yếu xảy ra với quốc gia vừa tăng tuổi thọ nhanh lại vừa giảm mạnh tỷ lệ sinh. Đáng nói, ở Việt Nam, tuổi thọ người dân tăng nhanh, cao hơn nhiều mức tăng trung bình của thế giới. Trong 56 năm (1960-2016), tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng tới 29 năm (từ 44,4 tuổi lên 73,4 tuổi).
“Năm 2023, con số này là 74,5 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết. Một số địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu…, tuổi thọ bình quân còn ở mức trên 76 tuổi.
Tuy tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ 65 tuổi, theo Bộ Y tế. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống và đối mặt với các vấn đề sức khỏe, bệnh tật. Trong khi sức khỏe là điều kiện tiên quyết để có cuộc sống tích cực thì mỗi người cao tuổi Việt Nam có tới 2-3 bệnh nền.
Sự khác biệt này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm giảm khả năng tham gia các hoạt động xã hội, suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị và từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, mức sống thấp, ít có tiết kiệm, dự trữ cho tuổi già.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý là tại nước ta, thời kỳ già hóa dân số diễn ra gần như song song với giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tức là thời kỳ lực lượng lao động dồi dào nhất. Nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi, đến năm 2036 con số này là 3 người và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người.
Tình trạng bệnh tật của người già tạo ra những thách thức lớn. Bởi nếu người trẻ dành thời gian chăm sóc người cao tuổi sẽ giảm bớt thời gian lao động, cống hiến cho xã hội. Nhìn rộng hơn, sức lao động của toàn xã hội có thể bị ảnh hưởng bởi phải dành một phần nguồn lực khá lớn để chăm sóc người cao tuổi sống phụ thuộc cả về kinh tế lẫn sức khỏe.
Chăm sóc sức khỏe cho người già – bài toán khó
Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho hay trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc nhiều hơn 3 bệnh lý, phổ biến như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… Đây đều là các bệnh lý mạn tính, điều trị kéo dài, đòi hỏi chăm sóc y tế thường xuyên, thậm chí suốt đời.
Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Dân số, dẫn dữ liệu dân cư quốc gia cho biết cả nước có hơn 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm 16% dân số. Tuy nhiên, nhóm dân số này sử dụng tới trên 50% chi phí điều trị mỗi năm. Theo Bộ Y tế, chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp gần 10 lần người trẻ.
Mặt khác, các gia đình ít con, lại thường di cư sống xa cha mẹ, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi chưa nhiều và giá dịch vụ cao nên việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trở thành vấn đề lớn. TPHCM có 24 cơ sở bảo trợ và nhà dưỡng lão, cả công lập lẫn tư nhân, rất ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung (chỉ hơn 0,5%), trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.
Trong bối cảnh dân số già đến gần, Cục trưởng Cục Dân số cho rằng Việt Nam rất cần những chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế để thích ứng với già hóa dân số, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát triển cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đảm bảo thực hiện già hóa tại chỗ với chi phí thấp, diện bao phủ cao phù hợp với người cao tuổi Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Dân số, “thích ứng quá trình già hoá dân số, dân số già” là một trong những chính sách lớn. Cơ quan soạn thảo này đề nghị tiếp tục kế thừa, chỉnh sửa, bổ sung quy định “hình thành và phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi” nhưng chưa nêu rõ loại hình bảo hiểm hay nguồn đóng góp.
Hiện 65% người già, tức khoảng 10,5 triệu người, chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước, phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm nếu có, con cái, người thân chu cấp hoặc tiếp tục làm việc với thu nhập thấp. Khoảng 5% người độ tuổi 60-80 không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp, không được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung quy định xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, phù hợp các vùng miền…
Điều này rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam còn khiêm tốn. Bộ Y tế thống kê chỉ 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; có 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; 957 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; chỉ gần 1.800 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.
Tuổi thọ nâng cao khiến nhu cầu tiếp tục làm việc tăng lên. Trong báo cáo, Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng thêm các chương trình, dự án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước sang tuổi già, phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường.
Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có 17,2 triệu người cao tuổi và năm 2049 số người cao tuổi lên đến gần 27 triệu. Nếu nhu cầu làm việc của người cao tuổi như hiện nay (khoảng 50%) được đáp ứng hoàn toàn thì năm 2030 sẽ có khoảng 8,5 triệu và năm 2049 có tới 13,5 triệu lao động cao tuổi.
“Đây sẽ là đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao an sinh thu nhập cho người cao tuổi, tránh được căn bệnh thiếu lao động do mức sinh thấp, sử dụng hiệu quả lao động trình độ cao”, Bộ Y tế nhận định.