Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bước lên đỉnh cao với tấm vé dự World Cup, nhưng trong tương lai gần là những nỗi lo về vấn đề lực lượng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam được tham dự World Cup. Sân chơi đẳng cấp hàng đầu thế giới (chỉ sau Olympic) quy tụ 32 đội tuyển, thực sự là một ngày hội bóng chuyền, diễn ra từ 22/8 – 7/9/2025 tại Thái Lan.
Trong những ngày qua, có thể hiểu cảm xúc của thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt khi nhận tin vui được dự World Cup. Bóng chuyền nữ Việt Nam từng 2 lần được tranh tài tại FIVB Challenge Cup vào năm 2023 và 2024, nhưng World Cup là một sân chơi chất lượng mà… trong mơ, nhiều người chưa dám nghĩ đến.
Chỉ tính riêng ở châu Á, tuyển nữ Việt Nam là 1 trong 4 đại diện góp mặt tại World Cup 2025, bên cạnh chủ nhà Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản. Khi bước vào giải đấu, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt có thể được đọ sức với những đội bóng hàng đầu thế giới như Italy, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nhật Bản… Đó là cơ hội có một không hai cho các VĐV Việt Nam học hỏi, cọ xát.
Thực tế, tấm vé dự World Cup của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là hoàn toàn xứng đáng khi Thanh Thúy và các đồng đội ghi dấu ấn với rất nhiều thành tích trong 2 năm qua. Chưa bao giờ bóng chuyền nữ Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt trong lối chơi, chiến thuật và tích lũy kinh nghiệm trận mạc như vậy.
Nhưng để có thể duy trì thành tích ổn định như thời gian qua với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là một thách thức lớn. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt nói rằng bóng chuyền nữ Việt Nam muốn có sự phát triển bền vững phải quan tâm tới khâu đào tạo trẻ để có lớp kế cận, nâng chất giải VĐQG, sự đầu tư cho đội tuyển…
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự World Cup 2025 có điều gì đó giống với tuyển bóng đá nữ Việt Nam năm 2023. Khoảng cách về trình độ quá lớn với các đội bóng hàng đầu thế giới, vì thế mục tiêu về thành tích là không khả thi với Thanh Thuý, Bích Tuyền với các đồng đội.
Nhưng qua giải đấu này, bóng chuyền nữ Việt Nam học hỏi được gì từ các đối thủ, và nhận ra mình còn thiếu và yếu ở đâu mới là điều quan trọng.
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, Philippines, đội hình luôn có lực lượng đan xen cầu thủ trẻ kết hợp với cựu binh. Các đối thủ này đều đang xây dựng lớp kế cận tốt.
Trong khi đó, với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, ở giải đấu gần nhất là VTV Cup, hầu hết các cầu thủ thường xuyên thi đấu vẫn là những gương mặt dày dạn kinh nghiệm, có nhiều năm “ăn cơm tuyển”. Khi lứa này bước qua thời đỉnh cao hoặc hết động lực phấn đấu, việc duy trì được thành tích như 2 năm qua là không dễ.
Nhìn vào lực lượng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại, nhiều VĐV sắp hết thời đỉnh cao phong độ. VĐV xuất sắc nhất đội tuyển là Trần Thị Thanh Thúy (đang thi đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ) cũng chỉ có thể thi đấu tốt 1-2 năm tới, trong khi Lê Thanh Thúy đã bước sang tuổi 29, chuyền 2 Lâm Oanh cũng chẳng còn trẻ, một loạt VĐV khác vào độ tuổi 27-28.
HLV Nguyễn Tuấn Kiệt dự báo tại SEA Games 33 vào cuối năm 2025, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ gặp khó khăn, nếu không có những nhân tố mới nổi bật được bổ sung ngay từ bây giờ.