Thiện Lê/Người Việt
SAN FRANCISCO, California (NV) – Ngày 3 Tháng Chín rất quan trọng vì là hạn chót để sinh viên đại học cộng đồng California ghi danh nhận trợ cấp học phí. Đó là chủ đề của buổi hội thảo do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám.
Ngày này là hạn chót để sinh viên đại học cộng đồng ghi danh cho trợ cấp của liên bang (FAFSA) hoặc trợ cấp qua đạo luật Dream Act của California (CADAA).
Hệ thống đại học cộng đồng của California có gần 2 triệu sinh viên, là hệ thống đại học lớn nhất Hoa Kỳ. Hơn 70% sinh viên của hệ thống này là người gốc thiểu số, trong đó có 48% là người gốc Hispanic.
Ngoài ra, sinh viên đại học cộng đồng California còn gặp nhiều khó khăn kinh tế, với 65% được xếp vào diện khó khăn kinh tế Perkins, có nghĩa là người có thu nhập thấp, người khuyết tật, ngươi vô gia cư, phụ huynh độc thân, những người con nuôi, và nhiều khó khăn khác.
Tuy đạo luật Dream Act tạo ra được hệ thống trợ cấp sẵn sàng giúp đỡ nhiều sinh viên, số sinh viên nhập cư không có giấy tờ vẫn còn thấp.
Vì vậy, mục đích của buổi hội thảo là hướng dẫn và cung cấp thông tin cho những sinh viên chưa ghi danh, bảo đảm họ hiểu biết rõ về quá trình ghi danh. Các chuyên gia cho biết việc đưa thông tin cho những sinh viên đủ điều kiện vô cùng quan trọng, kể cả những sinh viên nhập cư không có giấy tờ, giúp họ được hỗ trợ về tài chánh trong con đường học vấn.
Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Daisy Gonzalez, tổng giám đốc Ủy Ban Trợ Cấp Sinh Viên California (CSAC). Bà cho biết CSAC là cơ quan phụ trách đưa trợ cấp cho sinh viên, và còn chia sẻ những trợ cấp của chính phủ giúp họ thành công trong con đường học vấn.
Bà nhấn mạnh hạn chót ngày 3 Tháng Chín ngày càng đến gần, và gần như sinh viên nào cũng nghe người khác nhắc đi nhắc lại về ngày này để ghi danh xin trợ cấp khi đi học tại 116 đại học cộng đồng ở California.
Các đại học đó là khởi đầu để tìm cơ hội trong cuộc sống cho nhiều cư dân California, nhất là những sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp và người nhập cư, với 54% sinh viên có thu nhập dưới $40,000/năm.
Bà Gonzalez cho biết sinh viên, bất kể tình trạng di trú ra sao, có thể nhận trợ cấp tài chánh để trả tiền thuê nhà, thực phẩm, xe cộ, và mua sách vở, thậm chí còn có tiền để chăm sóc con cái. Đó là nỗ lực của Quốc Hội California, bỏ ra $383 triệu trợ cấp cho đại học cộng đồng.
Tuy vậy, CSAC vẫn gặp một số khó khăn làm số sinh viên ghi danh xin trợ cấp giảm, và tổ chức này đưa ra một số điều mà sinh viên cùng gia đình cần phải làm.
CSAC khuyến cáo nhiều gia đình ghi danh xin trợ cấp đại học, bất kể tình trạng di trú của họ ra sao, vì tiểu bang bảo vệ sinh viên nhập cư không có giấy tờ. Tiến Sĩ Gonzalez còn cho biết tiểu bang có tổng đài để trả lời nhiều thắc mắc và có nhiều phương tiện để giúp đỡ các gia đình.
Diễn giả thứ hai là anh Ivan Hernandez, chủ tịch Hiệp Hội Sinh Viên Đại Học Cộng Đồng California, có trách nhiệm giúp đỡ hơn 2 triệu sinh viên ở California, từ cấp địa phương đến liên bang, qua kêu gọi thay đổi chính sách.
Anh cho biết sinh ra ở Mexico, sau đó nhập cư vào Hoa Kỳ, sau đó gặp một số khó khăn về trợ cấp học phí đại học, nhưng được CSAC giúp đỡ, và từ đó có tiền để trang trải học phí, chỗ ở, xe cộ, và sách vở.
Vì vậy, anh kêu gọi sinh viên khắp tiểu bang nên ghi danh để nhận trợ cấp FAFSA hoặc CADAA vì họ luôn được hỗ trợ trong từng bước của quá trình ghi danh.
Anh còn cho hay các trang web để ghi danh xin trợ cấp sinh viên có nhiều ngôn ngữ nên rất dễ dàng cho các cộng đồng nhập cư. Một điều khác mà anh khuyên các sinh viên là không nên sợ hay hoang mang trước hệ thống mới của FAFSA vì có nhiều nguồn hướng dẫn từ đại học và tổng đài của CSAC.
Diễn giả cuối cùng là bà Nancy Jodaitis, giám đốc về các vấn đề đại học của tổ chức Immigrants Rising. Bà cho biết bà từng làm nhà tư vấn cho sinh viên không có giấy tờ và tư vấn về trợ cấp tài chánh 10 năm tại đại học San Francisco State University, và có một số thông điệp cần chia sẻ.
Đầu tiên là việc nhiều người nhập cư không có giấy tờ cảm thấy đại học không có chỗ cho mình, và bà trấn an họ, vì California là tiểu bang đứng đầu trong việc đưa ra các chính sách giúp đỡ họ, trong đó có cho họ quyền nhận hỗ trợ tài chánh.
Ngoài ra, tiểu bang luôn giúp đỡ những người nhập cư không còn thuộc diện DACA nữa, và bà Jodaitis nhấn mạnh họ có thể ghi danh nhận trợ cấp đại học.
Không chỉ có trợ cấp, California còn có nhiều chương trình giúp người nhập cư đi học dễ dàng như giúp họ học Anh Ngữ, giúp họ chuyển lên đại học bốn năm để lấy bằng cao học, và tạo ra nhiều cơ hội khác. [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: [email protected]