Sunday , December 8 2024

Phóng viên chiến trường Phạm Hoàng kể chuyện ‘nhảy’ vào mặt trận An Lộc

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Khi đang làm phóng viên đài Truyền Hình Số 9 Sài Gòn, ông Phạm Hoàng phải nhập ngũ vào Tháng Năm, 1969, theo lệnh tổng động viên. Nhờ đó mà ông tiếp tục được biệt phái về phục vụ tại đài Truyền Hình Số 9, và trở thành phóng viên chiến trường.

Phóng viên Phạm Hoàng tại ngã ba Đại Lộ Hoàng Hôn, mặt trận An Lộc. (Hình: Phạm Hoàng cung cấp)

Ngồi làm việc tại Westminster, một thành phố trung tâm của Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, ông Phạm Hoàng kể lại thời điểm Tháng Bảy, 1972, nhóm quay phim của ông được lệnh phải “nhảy” vào An Lộc để phỏng vấn Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đang giải tỏa An Lộc đã bị cộng quân bao vây hơn ba tháng.

“Nhảy” vào mặt trận An Lộc 

Theo ông kể, muốn vào An Lộc thì phải qua được “ải” căn cứ Lai Khê, bởi vì Sư Đoàn 5 Bộ Binh lấy lý do an ninh. Nhờ lá thư của ông Hoàng Đức Nhã, bí thư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và cũng là tổng trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi VNCH, vào ngày 6 Tháng Bảy, 1972, nên đoàn quay phim của ông được trực thăng đưa từ Lai Khê ra chiến trường An Lộc. Đặc biệt, Sư Đoàn 5 chỉ cho phép đoàn phim bốn người được hoạt động tại chiến trường An Lộc trong nửa tiếng đồng hồ tại mặt trận để thi hành công tác.

Khi trực thăng cách mặt đất khoảng chưa đầy 1 mét, chuẩn bị đáp xuống ngã ba Đại Lộ Hoàng Hôn ngay cửa ngõ của mặt trận An Lộc, thì mọi người phải nhảy ra khỏi máy bay chứ trực thăng không đáp xuống đất. Trong lúc này thì Việt Cộng bắt đầu nhả đạn pháo vào nơi bãi trực thăng đang đổ quân. Có tiếng la to bảo nhóm của ông Phạm Hoàng hãy nhảy xuống mau và nằm rạp xuống mặt đất, nếu không thì sẽ chết vì đạn pháo của Việt Cộng.

Ông Phạm Hoàng kể: “Chúng tôi đâu hiểu gì về việc trực thăng đổ quân như thế nào, nhưng cũng làm theo lời của các chiến sĩ. Mọi người nhảy xuống được an toàn, nhưng còn hai anh mang máy quay phim và anh máy thu âm thanh thì lúc nào cũng phải đi chung với nhau, vì dây thu thanh được kết nối chung với máy quay phim thời đó, nên việc vận chuyển nhảy trực thăng của hai nhân viên này rất khó khăn.”

Sau khi trực thăng đổ quân xong thì phải bay lên cao liền, vì sợ trúng đạn pháo của Việt Cộng. Cũng may là nhóm thu hình chiến trường không bị trúng đạn pháo của Việt Cộng, nhưng dây kết nối âm thanh và máy quay phim bị đứt ra, vì mỗi người nhảy một bên khác nhau.

Không bao lâu thì chiến đấu cơ của VNCH đến liền để dội bom ngay những ổ pháo của Việt Cộng gần đó, và sau đó, không còn nghe tiếng nổ đạn pháo của Việt Cộng nữa.

Ông Phạm Hoàng tâm tình: “Các anh lính có mặt tại đó cho chúng tôi biết là các ổ pháo của Việt Cộng ‘chào đón chúng tôi ở Đồi Gió’ đã bị Không Quân VNCH tiêu diệt. Thế là, lần đầu tiên chúng tôi được thoát chết tại chiến trường An Lộc.”

Ông cho hay, lúc đó có một chiếc xe Jeep đến đón nhóm quay phim chiến trường vào bộ chỉ huy của mặt trận An Lộc. Đầu tiên họ đưa nhóm đến đường hầm ngoài thành phố An Lộc. Tại đây, ông Phạm Hoàng gặp Đại Tá Trần Văn Nhựt, tỉnh trưởng Bình Long, và ông đại tá cho biết đây là chiếc xe Jeep độc nhất mui trần còn lại không bị đạn pháo của Việt Cộng làm hư hại. Và ông tỉnh trưởng cũng cho biết tinh thần chiến đấu của quân cán chính tỉnh Bình Long rất cao.

Ông Phạm Hoàng (phải) và Trung Tướng Michael Hamel tại công ty Aerospace Corporation nhân dịp Lễ Vinh Danh Cộng Đồng Á Châu tại Hoa Kỳ. (Hình: Phạm Hoàng cung cấp)

Phim hoàn chỉnh dù bị đứt dây kết nối âm thanh

Ông Phạm Hoàng kể tiếp: “Sau đó chúng tôi cũng phỏng vấn chớp nhoáng Đại Tá Lê Quang Lưỡng, chỉ huy Lữ Đoàn 11 Nhảy Dù, vừa giải tỏa vùng phía Nam An Lộc. Rồi họ đưa chúng tôi chạy thẳng vào bộ chỉ huy hành quân chiến trường An Lộc. Tại đây, chúng tôi gặp được Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Trong 20 phút, chúng tôi phỏng vấn Tướng Hưng khoảng 15 câu hỏi. Tôi nhớ Tướng Hưng cho biết, ‘Cộng Sản đã bắn vô An Lộc trên 50,000 quả đạn pháo. Dù địch đã tấn công bằng đạn pháo nhiều như thế, nhưng tinh thần của quân, dân, cán, chính An Lộc vẫn bình tĩnh chiến đấu, không chịu rút lui.’”

“Sau đó, vì chỉ còn 5 phút, chúng tôi vội vàng lên xe Jeep đến ngã ba Đại Lộ Hoàng Hôn, rồi lên trực thăng bay về căn cứ Lai Khê. Lúc này, anh Nguyễn Văn Đông mới báo báo với Trung Tá Lê Vĩnh Hòa là lúc quay phim thì dây kết nối âm thanh bị đứt, nên chúng tôi vô cùng lo lắng, vì quay phim có hình mà không có âm thanh lúc phỏng vấn thì xem như đoạn phim bị hỏng. Nhưng anh Nguyễn Văn Đông nói là đã dùng tay để kết nối và giữ dây audio và máy quay phim. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, nhưng anh Đông đã thực hiện được để cho những thước phim thu tại mặt trận An Lộc được hoàn hảo,” ông xúc động kể.

Ông cho biết thêm: “Rồi từ căn cứ Lai Khê, xe của đài Truyền Hình Số 9 đưa chúng tôi về Sài Gòn. Về đến đài, chúng tôi mới giao những thước phim đã quay được từ chiến trường An Lộc cho các nhân viên kỹ thuật của đài để tráng phim, ráp nối. Sau khi được ông Đào Đức Kỳ, xử lý thường vụ lúc đó, duyệt lại, đài truyền cho phát sóng ngay trong tối hôm đó để cho đồng bào miền Nam xem những đoạn phim mà chúng tôi đã thực hiện tại chiến trường An Lộc.”

Qua hôm sau, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm Bộ Chỉ Huy của trận chiến An Lộc để mừng chiến thắng.

Sau khi phát sóng những thước phim tại chiến trường An Lộc, thì sáng hôm sau, đoàn quay phim của ông Phạm Hoàng được lệnh đến Bộ Thông Tin VNCH. Đến nơi, ông Trịnh Quang Bình, phụ tá bộ trưởng, cho biết phóng sự phỏng vấn Tướng Lê Văn Hưng tại mặt trận An Lộc được phía Hoa Kỳ dịch sang tiếng Anh, và họ đã trình chiếu những hình ảnh mà nhóm của ông Phạm Hoàng đã thu được từ mặt trận An Lộc.

Và sau đó, ba anh em phóng viên chiến trường gồm ông Phạm Hoàng, ông Võ Văn Cát là cameraman (người thu hình ảnh) và ông Nguyễn Văn Đông là audioman (người thu âm thanh) mỗi người được Bộ Thông Tin ân thưởng 10,000 đồng tiền VNCH.

Ông Phạm Hoàng đứng trước Aerospace Corporation, nơi ông làm việc ở Mỹ trong 22 năm. (Hình: Phạm Hoàng cung cấp)

Công tác tại trận tái chiếm Quảng Trị

Tại mặt trận Quảng Trị, sau 81 ngày ứng chiến để tái chiếm Quảng Trị, các quân, binh chủng Quân Lực VNCH đã dẹp tan cộng quân tại Quảng Trị, và Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến đã cắm ngọn cờ vàng VNCH trên đỉnh Cổ Thành Đinh Công Tráng vào ngày 16 Tháng Chín, 1972, dẹp tan quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam, cùng hàng ngàn Việt Cộng nằm vùng.

Sau khi làm xong phim về thành phố Quảng Trị được Quân Lực VNCH tái chiếm, nhóm quay phim của ông Phạm Hoàng được lệnh đến Huế để làm phóng sự chiến trường tại Huế. Rồi sau đó, nhân viên của đài truyền hình Huế đưa nhóm đi bằng xe đến gần cầu sông Thạch Hãn. Nơi này Thủy Quân Lục Chiến VNCH đang đóng quân và đã dẹp tan quân Cộng Sản Bắc Việt.

Vừa đến nơi thì xác chết của trâu, bò, heo, kể cả xác người vẫn còn nằm rải rác, vì mặt trận tái chiếm Quảng Trị mới vừa kết thúc không bao lâu, nên bay mùi hôi nồng nặc của xác chết. Nơi đây nhóm quay phim của ông Phạm Hoàng gặp được Tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến VNCH, khi ông đang thuyết trình về trận đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị cho các phái đoàn phóng viên chiến trường quốc tế và Việt Nam thu hình.

Ông Phạm Hoàng nói: “Nhân dịp này, chúng tôi cũng phỏng vấn Tướng Bùi Thế Lân vài câu. Tôi còn nhớ một câu mà Tướng Lân đã trả lời với chúng tôi là, ‘Sở dĩ Thủy Quân Lục Chiến VNCH chiến thắng quân Bắc Việt, vì chiến sĩ của Thủy Quân Lục Chiến quyết không bỏ rơi chiến hữu của mình trong bất cứ nguy cư nào tại chiến trường.’” [qd]

About admin

Check Also

Tuyển thủ Việt Nam biểu cảm gây sốt trước trận đấu với Lào

Các tuyển thủ Việt Nam có khoảnh khắc thú vị trong buổi chụp hình truyền …