HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Mỹ đang khuyến cáo Việt Nam không nên sử dụng cáp viễn thông Trung Quốc, theo giới hiểu biết vấn đề liên quan đến cuộc đàm phán.
Hãng tin Reuters ngày Thứ Tư 18 Tháng Chín cho hay như vậy và nói Trung Quốc đang chèo kéo Việt Nam sử dụng hệ thống cáp viễn thông quốc tế của công ty HMN và một số công ty Hoa Lục khác hiện có kế hoạch thiết trí 10 đường cáp ngầm dưới lòng biển từ nay tới năm 20230.
Hiện Việt Nam đang sử dụng 5 đường cáp ngầm lòng biển để nối liền mạng internet viễn thông với thế giới nhưng rất hay bị đứt, mỗi khi xảy ra là đứt mạng nhiều ngày. Điều này thúc đẩy họ coi việc tiến hành một đường cáp ngầm lòng biển mới là ưu tiên.
Theo Reuters, từ Tháng Giêng vừa qua, đại diện chính phủ Mỹ và một số công ty viễn thông Mỹ đã thảo luận ít nhất 6 lần với giới chức ngoại giao Việt Nam cũng như những người cầm đầu doanh nghiệp viễn thông nước này. Các cuộc họp bàn một chiến lược thiết trí cáp viễn thông lòng biển cho họ, theo 7 nhân vật tham dự các cuộc họp hoặc được thuật lại các cuộc họp đó cho biết. “Chuyện này rất khó vận động”. Một viên chức tham dự các cuộc họp thuật lại.
Nhiều viên chức chính phủ Mỹ từng chia sẻ tin tình báo, trong những cuộc gặp gỡ riêng, về khả năng khủng bố đường cáp ngầm lòng biển, theo lời 5 nhân vật cho biết. Hãng tin Reuters cho hay họ đã nói chuyện với 12 viên chức khác nhau để có thể viết bản tin này, gồm cả một số chức sắc nhà nước Việt Nam, viên chức ngoại giao và giới chức ngành viễn thông. Họ đều không muốn nêu tên vì đây là vấn đề nhạy cảm.
Cả Mỹ cũng như Trung Quốc đều cố gắng tranh ảnh hưởng địa chính trị tại Việt Nam. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đến Hà Nội hồi năm ngoái với những kế hoạch hợp tác nhiều mặt. Việt Nam và Trung Quốc đã từng công khai thảo luận tăng cường “hợp tác sâu rộng về thông tin, truyền thông”.
Cuối năm ngoái, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội, hai nước đã ký 36 văn bản thỏa thuận hợp tác nhiều mặt, với 5 bản ghi nhớ giữa bộ Thông tin và Truyền thông hai nước và các bộ ngành liên quan về “viễn thông, Internet, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, truyền thông số…”
Đồng thời, cáp viễn thông lòng biển, hệ thống chuyển dữ liệu kỹ thuật số mọi mặt trên thế giới đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến kỹ thuật số giữa Bắc Kinh và Washington. Sợ bị gián điệp Trung Quốc cài vào mạng, trước đây, Mỹ từng vận động thành công để Hà Nội loại bỏ công ty HMN ra khỏi tất cả mọi dự án, cuộc điều tra của Reuters thấy như vậy.
APTelecom, một công ty tư vấn viễn thông ít người biết, là thành phần tham dự trong các cuộc thảo luận vận động Hà Nội, 5 người nói với Reuters. Trước đây, các cuộc họp và vai trò của APTelecom chưa từng được tiết lộ. Cả công ty HMN cũng như APTelecom không đáp ứng nhiều lần yêu cầu bình luận.
Tòa Bạch Ốc cũng không đáp ứng lời yêu cầu bình luận trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng không trả lời. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì kêu rằng Mỹ “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về mẫu mực hoạt động thương mại”.
Nhà cầm quyền cũng như các công ty quốc doanh Việt Nam cho đến nay thấy sẵn sàng cộng tác với phía Trung Quốc về đường cáp biển, 5 trong số các nguồn tin cho hay. Phía Mỹ nhắm thuyết phục Hà Nội là kỹ nghệ đặt cáp ngầm lòng biển, trên thế giới dựa vào 4 công ty, nay muốn chọn một công ty mới xuất hiện như HMN là một lựa chọn dở, theo 4 nhân vật tham dự họp.
Cả viên chức chính phủ Mỹ và APTelecom đều nói rất rõ ràng rằng chọn một nhà thầu đặt cáp ngầm lòng biển có ít kinh nghiệm và không có nhiều tiếp cận với các thành phần kỹ thuật quan trọng sẽ làm các nhà đầu tư Mỹ nản lòng, thúc đẩy họ bỏ chạy khỏi Việt Nam, hai nhân vật tham dự họp tiết lộ. “Họ nêu đích tên HMN” thúc giục loại bỏ trong cuộc họp, một trong các nhân vật dự họp cho hay.
Hoa Thịnh Đốn coi công ty HMN là một thành phần của tập đoàn Huawei. Cả hai đều bị Mỹ cấm vận vì nghi kỹ thuật của họ có cài các bộ phận gián điệp cho nhà nước Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh Mỹ, một cáo buộc bị Huawei phủ nhận. Còn HMN thì kêu rằng họ là một công ty độc lập.
Khủng bố?
Các đường cáp lòng biển nối internet thế giới với Việt Nam từng nhiều lần bị đứt hoặc lỗi, có khi nhiều cáp xảy ra cùng một lúc, vào các năm 2022 và 2023, gây nhiều thiệt hại lớn, theo tập đoàn nghiên cứu BMI. Điều này thúc Hà Nội có tham vọng đặt thêm cáp ngầm lòng biển trù tính từ năm nay.
Tốn phí cho dự án là bao nhiêu không thấy loan báo nhưng các nỗ lực của họ cho thấy đó là sự bành trướng hệ thống cáp lòng biển đáng kể nhất trong số các nước đang phát triển, theo chuyên gia công ty tham vấn BMI.
Trong ít nhất là hai cuộc họp với đối tác Việt Nam năm nay, các viên chức Mỹ chia sẻ cho họ hình ảnh vệ tinh và các thông tin tình báo khác để đặt nghi vấn là các lần mạng của Việt Nam bị đứt mạch có thể đã bị khủng bố, 5 nguồn tin nói. Phía các Bộ Thông tin và Khoa học Công nghệ Việt Nam thì kết luận là không có bằng chứng cụ thể và nếu đó là khủng bố thì cũng không rõ kẻ nào chủ mưu, 3 nguồn tin nói.
Theo Reuters, công ty truyền thông AT&T của Mỹ ít nhất đã có hai lần họp với phía Việt Nam về vấn đề cáp lòng biển. Tuy nhiên người ta không rõ công ty AT&T có phối hợp với chính phủ Mỹ hay không.(NTB)