Báo BaoNguoiViet tổ chức cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Ký ức dòng Bảo Định của tác giả Trương Trọng Nghĩa. 

Nhìn trên bản đồ, đoạn gần bốn cù lao tứ linh Long – Lân – Quy – Phụng nổi trên sông Tiền, có một nhánh sông uốn lượn quanh co giữa lòng thành phố Mỹ Tho như nét điểm xuyết mềm mại, thướt tha.

Đó là sông Bảo Định, từng là một trong những thủy lộ giữ vai trò quan trọng về quân sự, thủy lợi, giao thông… đồng thời là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân cả một vùng rộng lớn.

Sông Bảo Định chỉ dài 25km nhưng lại đóng vai trò trọng yếu vì nó nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây trước khi cả hai cùng đổ ra biển Đông.

Dòng sông ban đầu chỉ là hai con rạch nhỏ, qua bàn tay của con người, qua hơn 2 thế kỷ đã mang trong mình bao câu chuyện thăng trầm của lịch sử. Do có nguồn gốc ban đầu từ rạch sông nên dòng Bảo Định có hình dáng ngoằn ngoèo, len lỏi trong thành phố Mỹ Tho.

Một khúc sông Bảo Định hôm nay

Nhưng đến đoạn cầu Bến Chùa, gần ngã ba Trung Lương thì nó cứ thế thẳng một đường sang tận thành phố Tân An (tỉnh Long An) rồi đổ thẳng ra sông Vàm Cỏ Tây. Đây cũng là con kênh đầu tiên ở Nam Bộ dùng chiếc xáng múc để mang nước về tưới tắm cho cả một vùng đất đai xanh tươi, trù phú.

Đem chuyện lai lịch của dòng kênh này hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Phan, tôi được biết, trước khi có dòng Bảo Định thì ở phía Đông Bắc có rạch Vũng Gù chảy từ sông Vàm Cỏ Tây đến xóm Thị Cai; ở phía Nam có rạch Mỹ Tho chảy từ sông Tiền tới Bến Tranh (thuộc xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo ngày nay). Khoảng giữa hai con rạch ấy là một vùng đồng bằng mênh mông, cây cối hoang vu, ruộng vườn liên tiếp.

Cho đến năm Ất Dậu (1705), Nguyễn Cửu Vân đem quân sang bình định đất Chân Lạp theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu. Để làm phòng tuyến giữ miền biên cảnh, Nguyễn Cửu Vân đã cho đắp một chiến lũy dài từ xóm Thị Cai đến Bến Tranh.

Phía bên ngoài lũy, Nguyễn Cửu Vân cho quân lính đào một con hào sâu nối liền rạch Vũng Gù (Tân An) sang rạch Mỹ Tho. Đó là những dòng chảy đầu tiên của dòng kênh Bảo Định, khơi nguồn cho dòng nước đỏ mang phù sa về nuôi cây trái cho cả vùng đồng bằng rộng lớn sau này.

Theo nghiên cứu của tác giả Huỳnh Minh trong quyển “Định Tường xưa và nay”, hơn trăm năm sau con hào đấy bị bùn cỏ tích tụ gây cạn lấp, thuyền lớn đi đến đây phải đợi nước lên đầy mới đi được, nhất là đoạn giáp nước tại chợ Thang Trông.

Vì vậy, ngày 28 tháng Giêng (âm lịch) năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long đã sai quan trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong lo việc nạo vét và nới rộng dòng chảy này. Việc nạo vét được khởi công ngày 23/2/1819 và kết thúc ngày 28/5/1819. Công trình hoàn thành được vua Gia Long hết lời khen ngợi và cho đặt tên là Bảo Định hà và cho dựng bia ghi công ở bên bờ kênh gần chợ Thang Trong.

Ngã ba sông, nơi bắt nguồn của dòng Bảo Định

Lịch sử dòng kênh này cũng đã trải qua nhiều lần đổi họ thay tên. Năm Ất Tỵ (1835), vua Minh Mạng cho đổi tên lại là Trí Tường giang.

Đến đời vua Thiệu Trị, đổi tên thành sông An Định. Khi quân Pháp sang đô hộ, họ lại cho đổi tên là Arroyo de la Poste (kênh Bưu Điện). Thế nhưng, dân địa phương vẫn quen gọi là sông Bảo Định hay kênh Trạm.

Dòng sông với những tên gọi khác nhau đã đi vào ký ức bao đời của người dân quê tôi. Còn với riêng tôi, ký ức về con kênh Bảo Định thật êm đềm và trong trẻo. Lòng kênh không rộng nhưng sâu, trên đó có nhiều cây cầu cao chót vót bắc ngang để chừa khoảng thông thuyền.

Những buổi đi học về sớm, tôi vẫn hay cùng chúng bạn đứng bên bờ sông xem những người làm nghề hạ bạc giăng lưới bắt tôm cá, hay những chiếc ghe chở đủ các mặt hàng nông sản từ dừa, chuối, gạo… đến rau của quả các loại.

Con kênh đã mang dòng nước ngọt, mang phù sa về nuôi ruộng đồng cây trái. Và đã có bao đời, bao thế hệ sinh ra, lớn lên và mất đi bên dòng kênh này, cứ thế cuộc sống cứ tiếp nối không ngừng.

Trên dòng kênh này cũng đã sản sinh ra những tên tuổi lớn, được nhiều người biết đến. Ở cạnh bờ sông Bảo Định đoạn qua xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo có một khu vườn nhỏ, nơi sinh ra và lớn lên của soạn giả Trần Hữu Trang, tác giả của những vở cải lương nổi tiếng như Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Đời cô Lựu… Sau khi soạn giả Trần Hữu Trang mất, soạn giả Việt Thường (con trai ông) đã xây dựng nhà lưu niệm này để lưu giữ ký ức cũng như những hình ảnh, tác phẩm của cha mình.

Từ nhà lưu niệm soạn giả Trần Hữu Trang xuôi theo dòng Bảo Định gần 3km đường sông là đến Ngã tư Giáp Nước (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo ngày nay). Đây cũng là nơi thực dân Pháp đã xử trảm Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào nghĩa quân kháng Pháp vào ngày 15/4 (âm lịch) năm Ất Hợi, tức ngày 19/5/1875.

Bến phà Tân Long trên sông Bảo Định

Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng học giỏi và thi đỗ Thủ khoa ở kỳ thi Hương tại Gia Ðịnh năm Nhâm Tý (1852) đời vua Tự Ðức. Ông là một nhà giáo, và là một nhân sĩ trí thức lãnh đạo phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ trong những thập kỷ đầu chống Pháp. Nơi khúc sông này, giặc Pháp đã xử trảm ông sau nhiều lần đem tiền tài, bổng lộc chiêu dụ quy hàng bất thành.

Đền thờ của ông được xây dựng khang trang và hàng năm lễ giỗ của ông được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức trang trọng vào hai ngày 14-15/4 âm lịch. Cách đó không xa là khu mộ của Âu Dương Lân, một vị quan nhà Nguyễn, người bị đày đi Cayenne cùng Nguyễn Hữu Huân và cùng Nguyễn Hữu Huân nhiều lần mưu cuộc chống Pháp. Năm 1875, cùng với Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Lân bị hành quyết bên bờ sông Mỹ Tho.

****

Ngày nay, khi đường bộ phát triển thì giao thông đường thủy không còn đóng vai trò quan trọng nữa. Nếu như trước đây, kênh Bảo Định là tuyến đường huyết mạch nối hai tỉnh Tiền Giang và Long An, nối miền Tây với Sài Gòn thì từ khi kênh Chợ Gạo được người Pháp khánh thành đưa vào sử dụng vào năm 1877, kênh Bảo Định ngày càng mất dần vai trò quan trọng số 1 của mình.

Đình thờ Nguyễn Hữu Huân bên cạnh dòng Bảo Định

Khi lân la tìm tư liệu viết bài này, tôi quen vợ chồng anh Bảy Chà làm nghề hạ bạc trên sông. Anh Bảy kể, hồi xưa khúc sông này tôm cá nhiều lắm.

Chỉ cần bỏ lưới bén đi một vòng quay trở lại là gỡ cá mệt nghỉ luôn. Cá thì đủ thứ: cá rô, cá sặc, cá phi, cá mè, cá chạch, cá thác lác… đó là chưa kể tôm càng xanh con nào con nấy bằng bắp tay, lặn một chút là bắt đầy giỏ. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm về trước, bây giờ cá mắm đâu mất hết, có ngày kiếm không đủ tiền mua gạo mắm…

Chưa kể, những năm gần đây dòng kênh ô nhiễm ghê gớm. Rác rến, bao ni-lông, chai lọ, thuốc trừ sâu… cứ đổ thẳng xuống dòng kênh này. Rồi một số người dùng bình xiệt điện tận diệt cá tôm. Anh Bảy bùi ngùi kể, từ khi đập ngăn mặn được dựng lên ở hai đầu kênh phía Long An và Tiền Giang để ngăn mặn, thêm chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp lớn thải ra, kênh càng bị ô nhiễm trầm trọng hơn, cá tôm ngày càng ít đi.

Khách viếng đền thờ Thủ KHoa Huân

Anh Bảy buồn hiu khi dòng sông này không còn là nơi có thể mưu sinh, nuôi sống hai vợ chồng như trước… Nghe anh chia sẻ, tôi mơ hồ nghĩ đến chuyện dòng kênh hơn 200 năm tuổi có thể sẽ bị bức tử trong nay mai nếu không được khơi thông dòng chảy…

*****

Chiều nay, tôi đứng ở ngã ba sông, nơi sông Tiền và kênh Bảo Định lộng gió gặp nhau như một mối lương duyên tiền định. Phà Tân Long vẫn hối hả xuôi dòng Bảo Định, đưa người từ bên cồn Tân Long sang thành phố Mỹ Tho và ngược lại. Khúc sông Bảo Định nơi ngã ba sông vẫn nên thơ và êm đềm đêm ngày rì rầm sóng vỗ.

Nơi giặc Pháp xử trảm Nguyễn Hữu Huân bên bờ sông Bảo Định

Thành phố Mỹ Tho vừa công bố Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch khu đô thị gần 200 héc-ta ven sông Bảo Định nằm phía Đông Bắc thành phố. Theo quy hoạch thì đây sẽ là khu đô thị mới được đầu tư xây dựng hiện đại, phát triển theo mô hình sinh thái phù hợp không gian cảnh quan ven sông.

Điểm nhấn của dự án này chính là không gian biểu diễn nghệ thuật và thương mại tổng hợp bên cạnh sông Bảo Định với vai trò là điểm kết nối khu đô thị với đường ven sông.

Ở bờ bên kia, tỉnh Long An cũng đã khởi công dự án Kè sông Bảo Định với chiều dài 1.584m, tổng mức đầu tư hơn 836 tỉ đồng, thực hiện trong 5 năm từ 2020 – 2025. Công trình sẽ góp phần quan trọng vào việc chỉnh trang đô thị, chống sạt lở, tạo trục cảnh quan xanh – sạch – đẹp dọc ven hai bờ sông Bảo Định.

Từ một dòng kênh quan trọng cho việc giao thương, rồi bị bỏ quên theo thời gian, hôm nay dòng kênh Bảo Định đã được đánh thức và trở thành nhịp cầu nối hai thành phố Mỹ Tho và Tân An.

Những dự án ở hai đầu của dòng kênh đang bắt đầu được triển khai, cho ta một niềm hy vọng trong nay mai, dòng kênh Bảo Định sẽ đẹp như mơ, sẽ không bị “bức tử” mà sẽ đi vào sử sách như một chứng nhân lịch sử lắng đọng cùng ký ức thời gian…

Trương Trọng Nghĩa

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” do báo BaoNguoiViet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. 

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vnii.vn/bao-vnii-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html