KINGSTON, Jamaica (NV) – Cuồng phong Beryl đổ bộ vào Jamaica hôm Thứ Tư, 3 Tháng Bảy, khiến người dân trên đảo vội vã chuẩn bị sau khi có ít nhất sáu người chết cùng thiệt hại đáng kể ảnh hưởng lên vùng Đông Nam Caribbean do cơn bão Cấp 4 hung tợn gây ra, theo hãng tin AP.
Tại Kingston, người dân đóng ván để che cửa sổ, ngư dân kéo thuyền lên bờ trước khi tụm năm tụm ba xúm lại chơi domino kế bên một cái vịnh, còn công nhân thì tháo dỡ các tấm bảng quảng cáo ven đường để tránh bị đè trúng phòng hờ gió mạnh giật sập.
Báo động tình trạng dông bão có hiệu lực tại Jamaica, Grand Cayman, Little Cayman và Cayman Brac. theo Trung Tâm Bão Quốc Gia Hoa Kỳ NHC, Dự báo Beryl sẽ giảm cường độ một chút trong một hoặc hai ngày tới, nhưng vẫn giữ nguyên hoặc gần bằng với cường độ của một cơn bão mạnh khi quét qua gần hoặc đi qua Jamaica vào Thứ Tư, gần Quần Đảo Cayman vào Thứ Năm và đổ bộ vào Bán Đảo Yucatan thuộc Mexico vào Thứ Sáu.
Haiti cũng nhận được cảnh cáo giông bão tại vùng duyên hải phía Nam và vùng duyên hải mạn Đông tại Yucatan. Belize cũng ban hành báo động bão nhiệt đới kéo dài về phía Nam, từ biên giới với Mexico cho tới Belize City.
Tối Thứ Hai, Beryl trở thành cơn bão sớm nhất trong lịch sử phát triển thành bão Cấp 5 trên vùng biển Đại Tây Dương và mạnh nhất với sức gió 165 dặm/giờ (270 km/giờ) hôm Thứ Ba trước khi suy yếu thành bão cấp 4 nhưng vẫn có sức tàn phá. Sớm Thứ Tư, cuồng phong Beryl cách Kingston khoảng 125 dặm (200 kilometer) về hướng Đông Nam. Sức gió cố định mạnh nhất là 145 dặm/giờ (230 km/giờ) và đang xuôi lên hướng Tây-Tây Bắc với vận tốc 20 dặm/giờ (31 km/giờ), theo NHC.
Beryl dự kiến sẽ tạo ra gió mạnh và bão lớn có thể đe dọa tính mạng cho cư dân Jamaica, nơi các viên chức cảnh cáo người dân sinh sống ở những khu vực dễ bị lũ lụt cần chuẩn bị di tản.
Tại Miami, Giám Đốc Trung Tâm Bão Quốc Gia Michael Brennan cho biết Jamaica dường như nằm trên đường đi trực tiếp của Beryl. Ông kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn an toàn và nán lại cho tới hết Thứ Tư.
Jamaica có thể đối diện với tình trạng sóng biển dâng cao từ 6 tới 9 foot (1.8 đến 2.7 mét) so với mực nước thủy triều thông thường, kèm theo lượng mưa lớn.
Toàn bộ vùng duyên hải phía Nam Hispaniola, một hòn đảo chung giữa Haiti và Cộng Hòa Dominica cũng nhận được cảnh cáo bão nhiệt đới.
Khi Beryl tràn qua Biển Caribbean, các đội cứu hộ ở các hòn đảo phía Đông Nam tản ra để xác định mức độ thiệt hại tại Carriacou, một hòn đảo thuộc Grenada.
Ba người thiệt mạng tại Grenada và Carriacou và một người khác tại St. Vincent và Grenadines, các viên chức cho biết. Ngoài ra còn có hai trường hợp tử vong tại miền Bắc Venezuela, nơi có năm người mất tích, theo các viên chức. Khoảng 25,000 người ở khu vực đó cũng bị ảnh hưởng do lượng mưa lớn từ cuồng phong Beryl.
Grenada ghi nhận một trường hợp chết người do cây bị quật ngã đè lên một căn nhà, Kerryne James, Bộ Trưởng Môi Trường Grenada, nói với hãng tin. Bà cho biết Carriacou và Petit Martinique gánh chịu thiệt hại lớn nhất, với hàng chục căn nhà và cơ sở thương mại tại Carriacou bị tan tành.
Hôm Thứ Ba, Thủ Tướng Grenada, Dickon Mitchell, cho biết điện đóm thì cúp hết, đường sá thì không cách nào đi được, dẫn tới “một thực tế nghiệt ngã,” số người chết gia tăng.
Thủ Tướng Ralph Gonsalves, nhà lãnh đạo đảo quốc St. Vincent và Grenadines, hứa hẹn tái thiết quần đảo này. Ông lưu ý rằng Đảo Union có 90% nhà cửa bị phá hủy và dự kiến các đảo Myreau và Canouan cũng sẽ hứng chịu “mức độ tàn phá tương tự.”
Hai mươi năm trước, cơn cuồng phong cuối cùng đổ bộ vào vùng Đông Nam Caribbean là Bão Ivan, giết chết hàng chục người ở Grenada.
Grenada, được gọi là “đảo quốc gia vị,” là một trong những quốc gia xuất cảng hạt nhục đậu khấu hàng đầu thế giới. Thủ Tướng Mitchell lưu ý rằng phần lớn các loại gia vị được trồng tại phía Bắc hòn đảo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Bão Beryl. (TTHN)