Thiện Lê/Người Việt
SAN FRANCISCO, California (NV) – Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra nhiều nguy hiểm cho hệ thống bầu cử vì AI ngày càng dễ sử dụng, có thể tạo ra nhiều hình ảnh hay nội dung giả rồi lan truyền khắp nơi và làm cử tri không biết tin tưởng vào thông tin nào.
Hiện nay, AI không cần có kinh phí như một hãng phim và không cần một đội ngũ để tạo ra nhiều hình ảnh hay nội dung như trước. Điều đó làm cử tri mỗi ngày mỗi khó tìm hiểu về bầu cử hơn vì không biết những hình ảnh hay tin tức họ thấy là thật hay giả, trong đó có những hình ảnh do AI tạo ra, chẳng hạn cử tri gốc Phi Châu ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump đang lan truyền khắp nơi.
Trước những tin tức giả do AI tạo ra, Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hội thảo hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Bảy, với sự tham dự của các chuyên gia đang theo dõi sự lan truyền của các thông điệp do AI tạo ra, tập trung vào chủng tộc, và họ còn nói về những nỗ lực kêu gọi thông qua luật điều khiển AI trước mùa bầu cử vào Tháng Mười Một.
Không chỉ có bầu cử tổng thống, mà AI còn có thể ảnh hưởng đến cử tri trong các cuộc bầu cử địa phương.
Diễn giả đầu tiên là ông Jonathan Mehta Stein, tổng giám đốc tổ chức bất vụ lợi California Common Cause, đưa ra nhiều ví dụ về hình ảnh do AI tạo ra và những nguy hiểm của các hình ảnh đó.
Ông cho biết những tin tức thật ngày càng bị AI che giấu, rồi nói về những ứng dụng của công nghệ AI, từ bình thường và dễ sử dụng cho đến những ứng dụng phức tạp.
Một ứng dụng bình thường là hệ thống giới thiệu phim của Netflix, theo dõi những thể loại phim mà khán giả thích xem rồi giới thiệu cho họ những phim tương tự hay những phim họ có thể thích.
Theo ông, nhiều hình ảnh hay âm thanh do AI tạo ra thường cần thông tin từ con người, có thể đơn giản hay hài hước và lạ lùng nhưng không gây nguy hiểm cho bất cứ ai.
Sau đó, ông đưa ra một số hình ảnh và kêu gọi những người dự hội thảo đoán hình nào do AI tạo ra. Đầu tiên là hai hình ảnh của Đức Giáo Hoàng Francis, có một hình ảnh giả là hình ông mặc áo lạnh phùng phình được lan truyền khắp nơi, nhưng hình đó gần như không khác hình thật nếu người xem không biết ông không bao giờ mặc trang phục đó.
Tiếp theo một hình ảnh khói đen bốc lên dày đặc trước Ngũ Giác Đài nhìn không khác gì hình thật.
Ông sau đó đưa ra vài hình ảnh của Tổng Thống Donald Trump và Bác Sĩ Anthony Fauci, trong đó có vài hình do văn phòng tranh cử của Thống Đốc Ron DeSantis của Florida tạo ra bằng AI để đả kích ông Trump vì cho rằng ông có quan hệ thân thiết với Bác Sĩ Fauci.
Thay vì sử dụng những hình ảnh có thật, họ tạo ra những hình ảnh cho thấy ông Trump ôm và hôn ông Fauci. Những hình ảnh đó có màu sắc và ánh sáng khác với hình chụp thật, nhưng nếu cử tri đọc tin nhanh, không để ý kỹ thì sẽ không nhìn thấy được sự khác biệt.
Trong những hình ảnh ông Mehta Stein đưa ra còn có hình ông Trump chụp hình chung với nhiều cử tri gốc Phi Châu, cũng rất khó nhận dạng là hình giả.
Diễn giả thứ hai là bà Jinxia Niu, quản lý giao tế điện tử bằng tiếng Hoa của tổ chức Chinese for Affirmative Action, nói về những hình ảnh do AI tạo ra đang lan truyền trong cộng đồng người Hoa.
Theo bà, nhiều hình ảnh lan truyền trong cộng đồng gốc Hoa được lấy từ các mạng xã hội Anh Ngữ, sau đó dịch lại thành tiếng Hoa, nhưng cũng có vài hình ảnh do những người sử dụng các trang mạng xã hội tiếng Hoa tạo ra.
Những hình ảnh đó gồm có cựu Tổng Thống Trump ăn mừng với nhiều người ủng hộ gốc Phi Châu, và còn có hình ảnh cho thấy người ủng hộ ông Trump là những người Mỹ đàng hoàng, trong khi người ủng hộ Tổng Thống Joe Biden hung dữ và có diện mạo kỳ quái.
Bà Niu cho biết các cộng đồng nhập cư thường thiếu nguồn thông tin chính xác, nên công việc kiểm chứng thông tin của các tổ chức như Chinese for Affirmative Action vô cùng quan trọng, nhất là kiểm tra các thông tin lan truyền trên những “app” dùng để trò chuyện với nhau.
Tổ chức này có giải pháp là kiểm chứng nhiều thông tin, sau đó đưa những thông tin đã kiểm chứng lên các “app” để trò chuyện với nhau như Telegram.
Diễn giả thứ ba là ông Brandon Silverman, cựu tổng giám đống và đồng sáng lập viên của công ty theo dõi mạng xã hội CrowdTangle.
Ông cho biết những nguy hiểm từ thông tin sai lệch thường nhắm vào các cộng đồng thiểu số một cách không công bằng và khó chống đỡ được. Điều đó khiến CrowdTangle phải hợp tác với các tổ chức xã hội trong những cộng đồng thiểu số để tìm giải pháp.
Những tin tức sai lệch và hình ảnh giả do AI tạo ra làm các cộng đồng thiểu số ngày càng mất tin tưởng vào truyền thông và chính trị Hoa Kỳ.
Vì vậy, ông cho rằng một giải pháp là đánh thuế những trang mạng xã hội có quảng cáo lớn để tìm cách tạo ra ngân sách cho các cơ quan truyền thông thiểu số hay địa phương.
Một giải pháp khác là hiểu biết về những thông tin sai lệch đang được nhiều người lan truyền và tìm cách ngăn chặn những thông tin đó. Giải pháp thứ ba mà ông Silverman đưa ra là chia sẻ nhiều nguồn lực và hợp tác với nhau để ngăn chặn các thông tin sai lệch, hình ảnh giả do AI tạo ra.
Với mùa bầu cử ngày càng đến gần, những thông tin và hình ảnh do AI tạo ra có thể gây nhiều nguy hiểm, nhất là đối với các cộng đồng thiểu số. Vì vậy, các diễn giả cho rằng chính phủ Hoa Kỳ phải có những giải pháp để đưa ra thông tin chính xác nhất. [qd]
—–
Liên lạc tác giả: [email protected]